Bán buôn, bán lẻ và quyền phân phối bán lẻ của thương nhân nước ngoài?

Câu hỏi:   Kính chào Sở Công Thương Ninh Bình,   Công ty tôi là Công ty Công ty TNHH Nanpao Advanced Material Việt Nam với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tôi có 2 vấn đề thắc mắc sau, nhờ Sở Công Thương tư vấn và hướng dẫn thực hiện.   1. Công ty tôi nhập máy ép nhựa từ nước ngoài về để bán cho công ty sản xuất các chi tiết máy, sản phẩm bằng nhựa. HS code của máy: 84771039. Vậy hoạt động kinh doanh này được xem là bán buôn hay bán lẻ?   2. Công ty tôi có Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp vào tháng 6/2017. Mã ngành kinh doanh: 4690 (Chính) và 4799. với nội dung: Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn(không thành lập cơ sở bán buôn) và quyền phân phối bán lẻ (không thành lập cơ sở bán lẻ) các hàng hóa không thuộc danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc không được phân phối theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc không thuộc diện hạn chế theo cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (chi tiết hàng hóa và nội dung hoạt động theo quy định tại Giấy phép kinh doanh). Theo nghị định 09/2018 thì Đối với quyền xuất khẩu , nhập khẩu, và phân phối bán buôn các hàng hóa không thuộc các trường hợp phải cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền thực hiện các hoạt đông này sau khi đăng ký thực hiện tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh Nghiệp. Trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp năm 2017 của chúng tôi, đã có đăng ký về quyền xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn. Vậy có phải Công ty chúng tôi đã có quyền nhập khẩu tất cả các mặt hàng không thuộc diện phải cấp Giấy phép kinh doanh? Và không cần đổi Giấy chứng nhận đầu tư hay Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh? Trường hợp cần phải đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì nội dung phải đổi là như thế nào để có thể nhập máy móc và tiến hành hoạt động kinh doanh bán buôn (hoặc bán lẻ) ở Việt Nam.    Mong nhận được phản hồi từ Sở Công Thương để công ty tôi có thể thực hiện việc sửa đôi, đăng ký kinh doanh theo đúng quy định.   Nguyễn Xuân Nam - Công ty TNHH Nanpao Advanced Material Việt Nam  

Trả lời:

 

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cơ quan Sở Công Thương. Nội dung câu hỏi của bạn đã được chúng tôi nghiên cứu và xin trả lời cụ thể như sau:

 

Khái niệm “bán buôn” và “bán lẻ” được định nghĩa tại khoản 6, 7 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, Luật Quản lý Ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: ‘Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ” và “bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”.Theo quy định trên, việc bán hàng cho các thương nhân, tổ chức khác để sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất, triển khai dịch vụ theo mục tiêu đầu tư, ngành nghề kinh doanh đã đăng ký (như trường hợp Công ty Pla Matels Việt Nam bán máy ép nhựa cho các công ty sản xuất các chi tiết máy, sản phẩm bằng nhựa) là hoạt động bán buôn. 

 

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty có nội dung: thực hiện quyền nhập khẩucác hàng hóa không thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc không thuộc diện hạn chế theo cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nên căn cứ Điều 5 và 6 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, Công ty không thuộc diện phải cấp Giấy phép kinh doanh thực hiện quyền trên, trừ trường hợp nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.

 

Trân trọng!