Đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019

Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng hóa thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng cho người dân trong những ngày cuối năm và tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, hạn chế thấp nhất các tác động xấu của thị trường có thể làm cho giá cả hàng hóa tăng bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh. Đồng thời ngăn chặn có hiệu quả tình hình buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp cuối năm. Theo chỉ đạo của Bộ Công thương tại Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 30/10/2018 của Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. 

 

 

Siêu thị tự chọn - Công ty TNHH thương mại Hà Giang. Ảnh Phạm Mỹ Linh.

 

Sở Công thương xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 như sau:

 

Sở Công thương: Theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với UBND tỉnh, các Bộ, ngành có liên quan, các biện pháp nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết. Ngoài ra, phối hợp với các Sở như: Sở Tài chính trong việc tạm ứng vốn ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại chủ lực của tỉnh dự trữ hàng hóa thiết yếu, góp phần tham gia bình ổn thị trường trong dịp tết; Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện rà soát cung cầu nguồn thực phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp tết. Đồng thời triển khai Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đến các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh tạm ứng vốn ngân sách để dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại chủ động phối hợp và tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia bán hàng Tết, chương trình bán hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra hàng giả hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, kiểm tra hành vi gian lận về đo lường tại các chợ trung tâm nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng; Kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với hàng hóa dịch vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình khó khăn để đầu cơ, ép giá, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

 

Phòng kinh tế, phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố: Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kịp thời báo cáo về Sở Công thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh có phương án điều tiết đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng hoặc tăng giá đột biến ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của nhân dân. Tham mưu cho UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chuẩn bị đầy đủ lực lượng hàng hóa phục vụ Tết và tổ chức chu đáo, an toàn Hội chợ Xuân và các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh trên địa bàn chuyển sang kinh doanh theo mô hình cửa hàng tiện lợi nhằm tăng doanh thu, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, trước mắt mở rộng mô hình ở các thị trấn, thị tứ; Phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, nhất là phòng chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất , kinh doanh.

 

Điện lực Ninh Bình, Chi nhánh xăng dầu Ninh Bình: Điện lực Ninh Bình xây dựng và triển khai Kế hoạch cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Chi nhánh xăng dầu Ninh Bình cân đối các nguồn cung ứng, xây dựng kế hoạch dự trữ xăng dầu, chỉ đạo các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và yêu cầu các đại lý trong hệ thống phân phối của mình có phương án kịp thời can thiệp để bình ổn thị trường khi giá cả biến động bất thường.

 

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các Siêu thị: Các doanh nghiệp sản xuất chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch để đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, cam kết không tăng giá đột biến nhất là vào những ngày giáp Tết. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các Siêu thị: Xây dựng và triển khai phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ Tết, ưu tiên các hàng hóa Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất tăng cường tổ chức mạng lưới bán hàng tại các huyện, thành phố, góp phần bình ổn giá cả, thị trường nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh; Khuyến khích các đơn vị triển khai thực hiện các “điểm bán hàng Việt bền vững”, các “điểm bán hàng bình ổn giá” và các chương trình khuyến mại hợp pháp góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. Đối với các siêu thị cần chuẩn bị đủ lượng hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lí, nhất là thực phẩm chế biến phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Để đảm bảo cho người dân trong tỉnh đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trên tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm thì các cấp, các ngành cần có sự phối hợp đồng bộ; đặc biệt đối với Sở công thương phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để thiếu hàng, sốt giá, nhằm bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

 

Phạm Mỹ Linh- Phòng Thông tin XTTM - TTKC&XTTM