Diễn đàn “Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức của phụ nữ trong khởi nghiệp, kinh doanh”

Sáng ngày 15/10/2021, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ chức Diễn đàn Nâng cao “Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số - cơ hội khởi nghiệp thành công” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và 21 điểm cầu  Hội LHPN các tỉnh/thành trên cả nước.

Diễn đàn cũng là nơi để các chị em được chia sẻ, trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước, chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ và những doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh để từ đó tìm ra cơ hội khởi nghiệp, kinh doanh hiệu quả trong thời gian tới.

Tham dự Diễn đàn có bà Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng các đại diện đến từ các Bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương, Hiệp hội Thương mại điện tử, các doanh nghiệp…

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Tại Diễn đàn, bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, chuyển đổi số để phát triển kinh tế số quốc gia hiện nay đang được nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá là xu thế tất yếu. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể, hướng Việt Nam trở thành một quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện các hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…

Bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

Hiện nay, thế giới đang trải qua những biến động nhanh chóng, sâu sắc chưa từng có, đặc biệt do những tác động của đại dịch Covid-19. Nếu nhìn nhận ở khía cạch tích cực, tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được xem là chất men xúc tác cho chị em phụ nữ ứng dụng công nghệ số.

Để tạo điều kiện cho phụ nữ trong kỷ nguyên số, Chính phủ đã có những chiến lược, giải pháp để thu hẹp khoảng cách giới trong công nghệ số, được khẳng định tại Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA vào tháng 8/2021 với chủ đề "Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm".  

Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong phát triển kinh tế số của đất nước.

Phụ nữ tận dụng mọi cơ hội từ công nghệ số

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số,

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)

Trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh như hiện nay, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng cần có sự chủ động thích ứng và song hành cùng các cơ quan quản lý, các đối tác và đông đảo cộng đồng người tiêu dùng để không tụt lại phía sau trong sự phát triển chung của nền kinh tế.

Do đó, trang bị cho các doanh nghiệp nói chung hay các doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng các kiến thức và kỹ năng số cơ bản ngày càng được nhìn nhận là một trong những biện pháp quan trọng, giúp quản lý và mở rộng kinh doanh để doanh nghiệp tồn tại và phát triển thành công trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số các phương thức hiện đại trong hoạt động sản xuất kinh doanh là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Ai đi trước người đó sẽ tích lũy được những kinh nghiệm trước và có khả năng thành công trước do tận dụng được lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh do công nghệ mang lại.

Chính vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp nữ trong bối cảnh chuyển đổi số, vừa qua Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo về kinh doanh trên thương mại điện tử ở các tỉnh, thành trên cả nước giúp doanh nghiệp, doanh nghiệp nữ làm chủ nhìn nhận được tầm quan trọng của chuyển đổi số, tiếp cận với kiến thức thương mại điện tử.

Mặc dù các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển nhưng có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Do đó, ông Bùi Huy Hoàng cho rằng, cần có những chính sách tạo điều kiện dễ dàng hơn cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ như các khoản vay vốn từ ngân hàng, các sản phẩm phù hợp với đối tượng là nữ doanh nhân; hỗ trợ trong việc xây dựng mạng lưới kinh doanh trực tuyến, tăng cường vai trò của các Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp do nữ làm chủ, bồi dưỡng các kiến thức kinh doanh thương mại điện tử, marketing, quản trị… để nắm sát nhất nhu cầu đào tạo, phát triển cho doanh nghiệp.

“Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số không thay thế được sản xuất và kinh doanh nhưng là công cụ hữu hiệu để chúng ta thay đổi phương thức, hướng tới mô hình hay phương thức mới để nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh cho doanh nghiệp”, ông Bùi Huy Hoàng chia sẻ.

Tại phần hai của Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã dự và trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2021.

Tại Lễ trao giải, Phó Thủ tướng đã trao cho 6 tập thể và 10 cá nhân được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam; 24 tập thể, cá nhân đạt giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương