Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản 2022

Ngày 5/7/2022 tại khách sạn Hoàng Sơn, Sở Công Thương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, Trung tâm ASEAN - Nhật Bản và Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam -Nhật Bản 2022 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh, liên kết sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Ngô Minh Kim – Phó Giám đốc Sở Công Thương; cán bộ phòng Xuất nhập khẩu, phòng Công nghiệp, phòng Phát triển cụm công nghiệp – Sở Công Thương cùng đại diện của 50 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. 

Các đại biểu dự Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản 2022 tại điểm cầu Ninh Bình

Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản trình bày về cơ hội xúc tiến thương mại Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và đại diện Hiệp hội ngành hàng Việt Nam trình bày về cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới. Ngoài ra doanh nghiệp còn được giới thiệu những thông tin về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của thị trường Nhật Bản đối với một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam để từ đó áp dụng và tuân thủ. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong bối cảnh các hoạt động giao thương truyền thống vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã và đang cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Thế nhưng, mặc dù nhiều linh kiện sản phẩm, thành phẩm và bán thành phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Nhật Bản, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế. 

Theo ông Akutsu Michio - Chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản, năng suất lao động của lao động địa phương tại Việt Nam còn thấp. Mặt khác, nhân tài có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị thu hút bởi doanh nghiệp FDI và ra nước ngoài làm việc dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tốt. Doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu giá thành cạnh tranh và thiếu thông tin từ các nhà cung cấp nước ngoài. Ông Akutsu Michio chia sẻ “doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng các công ty thương mại để cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan, đề xuất phương thức sản xuất mới, cơ giới hoá và tự động hóa cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp.”

Sau phiên toàn thể, các doanh nghiệp của tỉnh đã tham gia các phòng hội thảo trực tuyến với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà cung cấp của Nhật Bản. Hội nghị là cơ hội quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh Ninh Bình nhằm thu hút các nhà đầu tư của Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận cơ hội xúc tiến thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hợp tác kinh doanh và đầu tư với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới; đồng thời nắm được một số vấn đề cần lưu ý khi hợp tác kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với thị trường Nhật Bản.

                                    Hoàng Hà Phương - XNK