Sở Công Thương triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá XII)

Căn cứ Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 09/4/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 26/02/2018 của Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Sở Công Thương được giao 02 nhiệm vụ: một là quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phân cấp quản lý và đối với các chợ, siêu thị, các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hoá thực phẩm trên địa bàn tỉnh; hai là công tác phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm và các sản phẩm theo quy định được phân cấp quản lý.

Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương và UBND tỉnh, Sở Công Thương đã chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định như: Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 29/8/2018 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 03/10/2019 thay thế Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 18/2022/QĐ-UBND ngày 17/6/2022 về phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở cũng ban hành 35 văn bản hướng dẫn, triển khai các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với nhóm thực phẩm do ngành Công thương quản lý. Tổ chức 10 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm đến 2.157 đại biểu là cán bộ, công chức, người lao động và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; in, phát 1.500 tờ rơi; in, treo 45 băng zôn tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, đăng, phát 35 tin, bài tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn Luật nhằm giúp người tiêu dùng nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” để nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân và huy động tối đa nguồn lực xã hội cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhằm nâng cao kiến thức thực hành an toàn thực phẩm và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kịp thời được cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đúng quy định, Sở Công Thương đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực do ngành Công thương quản lý. Đến nay, Sở đã cấp 973 giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; thẩm định, cấp 22 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong đó có 14 Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm và 8 cơ sở kinh doanh chuỗi thực phẩm tổng hợp.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ và các trung tâm thương mại, siêu thị đã được các cấp, ngành và chủ đầu tư quan tâm, chú trọng nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: diện tích chợ không đảm bảo, không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm còn đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác; một số chợ nền chợ không được bê tông hóa, không có khu vệ sinh, không có hệ thống cấp thoát nước đảm bảo cho hoạt động chợ, không có khu thu gom rác và xử lý rác thải… hiện vẫn còn nhiều chợ chưa có kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, đặc biệt là nguyên liệu, phụ gia, nước dùng tại các quầy hàng trong chợ chưa được kiểm soát làm cho công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gặp không ít khó khăn.   
Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm: Từ năm 2019 đến nay, Thanh tra Sở được UBND tỉnh giao chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 2 của tỉnh. Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 đã thực hiện 08 đợt kiểm tra về an toàn thực phẩm. Kết quả: Đã kiểm tra 119 cơ sở, phát hiện, xử lý 39 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 148.150.000 đồng. Ngoài ra, Thanh tra Sở cũng thực hiện 11 cuộc kiểm tra chuyên ngành đối với 171 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực Công thương, trong đó có 09 cuộc kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm chuyên ngành công thương; 01 cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy và chữa cháy tại 04 chợ trên địa bàn tỉnh; 01 cuộc kiểm tra đột xuất Bộ Công Thương giao theo dự án an toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu dân số. Kết quả: Thanh tra Sở đã kiểm tra 167 cơ sở, phát hiện, xử lý 05 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 15.225.000 đồng.

Sở Công Thương tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tình hình ATTP trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Duy Phương

Đối với công tác phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại: Qua rà soát thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 3.570 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm ngành Công thương quản lý, trong đó có 1 đơn vị sản xuất rượu công nghiệp; 14 đơn vị sản xuất rượu thủ công; 1 cơ sở sản xuất bia, nhưng qua kiểm tra không đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm nên tạm thời ngừng hoạt động và không có cơ sở nào sản xuất dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Công thương quản lý.
Trong lĩnh vực được phân công, Sở Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP; công tác kiểm tra, hậu kiểm tra và phối hợp kiểm tra trong lĩnh vực ATTP được tăng cường và đạt hiệu quả cao, việc thực hiện lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa đối với một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu (rượu, bánh, kẹo, bún rau, củ, măng tươi và khô, thịt lợn…) được chú trọng; công tác tuyên truyền trong lĩnh vực ATTP trong các đợt cao điểm được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức (bằng rôn, khẩu hiệu, phóng sự qua đài phát thanh và truyền hình); tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật nhất là các văn bản mới nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong thực thi pháp luật.

Bài viết: Thu Hương - phòng TM