Thông cáo Báo chí về Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc Xuất xứ trong Hiệp định CPTPP

Với tinh thần khẩn trương xây dựng văn bản nội luật hóa nhằm thực hiện các cam kết tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Hiệp định CPTPP), Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 01 năm 2019 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP.

Để cập nhật thông tin về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP và hướng dẫn triển khai Thông tư 03/2019/TT-BCT cho cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả trong việc tiếp cận thị trường các nước thành viên Hiệp định, Phòng Xuất xứ hàng hóa – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có nhiều bài trình bày về quy tắc xuất xứ trong CPTPP và vấn đề tận dụng ưu đãi FTA tại các Hội nghị, hội thảo, tập huấn do các Bộ, ngành, Sở Công Thương, Hiệp hội ngành hàng… tổ chức.

Thông tư số 03/2019/TT-BCT gồm 5 Chương, 33 Điều và 9 Phụ lục kèm theo. So với các FTA Việt Nam đã ký kết và tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới như: Các công thức tính hàm lượng giá trị khu vực; Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; Quy tắc mặt hàng dệt may; Danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR); Trường hợp không áp dụng linh hoạt đối với nguyên liệu không có xuất xứ. Mẫu C/O mẫu CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP cũng được ban hành kèm theo Thông tư.

Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện từ 5 đến 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.

Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa của Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 và các quy định khác có liên quan.

Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định và theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu.

Kể từ khi Thông tư số 03/2019/TT-BCT có hiệu lực (ngày 08 tháng 3 năm 2019) đến hết ngày 15 tháng 3 năm 2019, 08/20 tổ chức cấp C/O của Việt Nam đã tiếp nhận và duyệt cấp C/O CPTPP đi các thị trường Canada, Nhật Bản, Mexico và New Zealand). Các mặt hàng xuất khẩu đã được cấp C/O CPTPP bao gồm giày dép, hàng dệt may, đồ gia dụng, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, ...

Trong hai tuần đầu triển khai Thông tư số 03/2019/TT-BCT về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP, nhiều doanh nghiệp đã nắm được quy định về xuất xứ trong CPTPP, những điểm mới trong Chương Xuất xứ hàng hóa giữa Hiệp định này so với các FTA khác. Nhiều doanh nghiệp đánh giá các chương trình tập huấn, phổ biến của Bộ Công Thương rất thiết thực, hiệu quả. 

Để doanh nghiệp có được kết quả bước đầu trong việc tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP thông qua quy tắc xuất xứ, Cục Xuất nhập khẩu đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: (1) tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp cũng như tổ chức cấp C/O có quy định cụ thể và minh bạch về quy tắc xuất xứ CPTPP, (2) thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O CPTPP triển khai tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, đồng thời uốn nắn, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu đi thị trường các nước thành viên CPTPP, (3) đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng cấp C/O CPTPP qua internet, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai Thông tư số 03/2019/TT-BCT tại địa chỉ email co@moit.gov.vn và số điện thoại hỗ trợ 024.2220.2468. Các biện pháp Bộ Công Thương triển khai rất được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là thiết thực, nhờ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP thông qua quy tắc xuất xứ.

 

Cục Xuất nhập khẩu