Xin giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh hoá chất?

Câu hỏi:   Kính gửi Sở Công Thương,   Sắp tới bên công ty chúng tôi có nhập khẩu một số sản phẩm xịt vệ sinh giày/thắt lưng bằng da, với mã HS lần lượt là:   (i) 3405.10.10 (Chất đánh bóng, kem và các chế phẩm tương tự dùng cho giày dép hoặc da thuộc)   (ii) 3809.93.00 (Loại dùng trong công nghiệp thuộc da hoặc các ngành công nghiệp tương tự)   Căn cứ theo mã HS đã được áp cho sản phẩm, chúng tôi nhận thấy rằng sản phẩm chúng tôi không phải thuộc nhóm 28, 29 là các hoá chất dùng trong công nghiệp. Do đó, chúng tôi muốn hỏi rằng các sản phẩm này có bắt buộc phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh hoá chất không?   Chân thành cảm ơn Quý Sở.   Lê Văn Duân – Công ty TNHH Regis  

Trả lời:

 

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cơ quan Sở Công Thương. Nội dung câu hỏi của bạn đã được chúng tôi nghiên cứu và xin trả lời cụ thể như sau:

 

Ngày 08 tháng 12 năm 2017, Cục Hóa chất – Bộ Công Thương có công văn số 1372/HC-VP gửi Tổng cục Hải quan, về việc trả lời vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, trong đó tại trang 2 văn bản có nêu:

 

- Các danh mục hóa chất chỉ xác định tên chất kèm mã số CAS và mã số HS tương ứng với chất ở dạng đơn lập. Trên thực tế, hầu hết các hóa chất nói chung và tiền chất công nghiệp nói riêng đều tồn tại ở dạng các hỗn hợp có nhiều thành phần, hàm lượng khác nhau, đặc tính hóa lý và tính chất nguy hiểm khác nhau và có thể thuộc các mã HS khác với mã HS của các chất là thành phần trong hỗn hợp đó. Về mặt chuyên môn, và theo thông lệ quốc tế, tất cả các hóa chất bao gồm chất và hỗn hợp chất nguy hiểm đều phải được quản lý, kiểm soát.

 

- Việc áp mã số HS đối với các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc thẩm quyền của cơ quan Hải quan, do đó tại văn bản pháp luật chuyên ngành như Nghị định 113/2017/NĐ-CP, mã số HS tại các danh mục được sử dụng với mục đích tham khảo (theo chú thích tại các danh mục) để định danh các chất.

 

-Nghị định số 113/2017/NĐ-CP chỉ áp dụng với các hoạt động liên quan đến hóa chất bao gồm các đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất”.

 

- Do đó, nếu có thành phần hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm,đề nghị đơn vị thực hiện việc rà soát, xác định,phân loại đặc tính nguy hiểmcủa “sản phẩm xịt, vệ sinh giày thắt lưng bằng da”hiện đang kinh doanh tại cơ sởtheo quy tắc và hướng dẫn kỹ thuật của GHS, từ Phiên bản 2 năm 2007 trở đi được quy định tại Điều 23 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư số 32/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương:
+ Trong trường hợp các sản phẩm nêu trên có đặc tính nguy hiểm thuộcquy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP thì đơn vị phải lập “Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất”, gửi về Sở Công Thương tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở kinh doanh hóa chất để được thẩm định, giải quyết theo quy định.
+ Thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất được quy định chi tiết, cụ thể tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

 

- Ngoài ra, cũng theo hướng dẫn tại công văn số 1372/HC-VP của Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, đối với các thành phần hóa chất nằm trong sản phẩm tiêu dùng (dung môi trong mực in, acid trong bình acquy…) thìkhông thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 113/2017/NĐ-CPdo đó không cần thực hiện thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên đơn vị vẫn cần tham khảo và tuân thủ các điều kiện an toàn trong hoạt động hóa chất được nêu cụ thể tại TCVN 5507:2002 (Hóa chất nguy hiểm, quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng và bảo quản).

 

- Để được hướng dẫn cụ thể hơn, đề nghị đơn vị vui lòng liên hệ trực tiếp Cục Hóa chất – Bộ Công Thương (21 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), Điện thoại: 024 62874499.

 

Trân trọng!