Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu

Sáng ngày 24/11, thực hiện Chương trình tăng cường năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công, Sở Công thương phối hợp với Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam và Diễn đàn uống có trách nhiệm Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu cho cán bộ chuyên trách các cấp trong tỉnh. Đây là hoạt động tiếp nối sau Lễ phát động Chiến dịch tự nguyện kê khai, đăng ký, làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công diễn ra ngày 17/11/2020 tại xã Lai Thành. 

Ths.LS Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch Thường trực VBA phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Hoàng Thị Thùy

Tham dự chương trình có Ths, Luật sư. Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam (VBA), ông Ngô Minh Kim - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Minh Thu - Tổng thư ký uống có trách nhiệm Việt Nam, ông Vũ Đức Nam - Phó trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đại diện phòng chuyên môn Sở Công Thương cùng các cán bộ quản lý lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu của các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Minh Kim – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó có thủ công. Để đưa các quy định của Nhà nước về quản lý rượu thủ công vào đời sống, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tin, bài trên trang điện tử của Sở Công Thương; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra... 

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, Ths, Luật sư Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch Thường trực VBA cho biết: Hội nghị tập huấn “Triển khai các quy định của pháp luật về quản lý rượu thủ công” cho cán bộ các cấp của Ninh Bình là một trong những hoạt động quan trọng trong chương trình “Nâng cao năng lực quản lý rượu thủ công”. Trên thực tế, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công còn chưa nắm được các quy định của pháp luật, do vậy công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định này là rất cần thiết.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công thương báo cáo tổng quan tình hình quản lý Nhà nước về hoạt động sản xuất kinh doanh rượu sau khi Nghị định 105/2017/N Đ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu có hiệu lực; Giới thiệu Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14/6/2029 và Nghị định 24/N Đ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

Báo cáo viên của Sở Công thương cũng đã tuyên truyền, phổ biến một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý sản xuất kinh doanh rượu; một số quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã nêu lên thực trạng, khó khăn trong công tác kê khai, cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công tại địa phương. Cụ thể, việc hạn chế trong nhận thức của bà con về các quy định của pháp luật, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ còn thô sơ, quy mô sản xuất nhỏ, hoạt động không thường xuyên, sản phẩm thường được sử dụng trong phạm vị gia đình, biếu, tặng hoặc bán cho người thân quen nên không có hợp đồng mua bán...Qua đây, giải pháp được đề ra là cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, phải thực hiện đồng bộ, thống nhất, biên soạn các bài tuyên truyền cô đọng, dễ hiểu thông qua đài phát thanh ở các xã đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ hộ gia đình thực hiện việc kê khai, đăng ký hoặc làm thủ tục để được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công phù hợp với từng đối tượng sản xuất rượu thủ công...

Thông qua buổi tập huấn, các đại biểu có dịp hiểu thêm thông tin về các quy định của pháp luật trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, quy định quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công và là hạt nhân phổ biến những quy định này tới từng hộ sản xuất rượu thủ công, góp phần nâng cao năng lực quản lý tại địa phương. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình tục triển khai quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu tới các xã, phường, thị trấn, các hộ dân sản xuất rượu thủ công ở các địa phương với mục tiêu tăng số lượng người kê khai, đăng ký, làm thủ tục cấp giấy phép, nâng cao năng lực quản lý rượu nói chung và rượu thủ công nói riêng./.    

                 
                                                 Tin tức: Lê Văn Hoan - phòng QLCN