Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình quý I năm 2022

Kinh tế - xã hội quý I năm 2022 của tỉnh diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine; sự phục hồi kinh tế tại các quốc gia còn thiếu ổn định, không đồng đều. Ở trong nước, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt cục bộ xăng dầu, vẫn còn tình trạng ùn tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới. Trên địa bàn tỉnh, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, một bộ phận lao động phải nghỉ việc để cách ly y tế cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, tăng cường điều kiện, lực lượng tập trung cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe, đời sống của Nhân dân, đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Ninh Bình, chỉ số công nghiệp (IIP) toàn tỉnh quý I/2022 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 16,94%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,51%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,59%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,51%. 

Gia công, sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH may Phoenix, KCN Tam Điệp. Ảnh: Duy Phương

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) quý I/2022 toàn tỉnh ước đạt 21.860,9 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai khoáng ước đạt 142,8 tỷ đồng, giảm 3,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo 21.451,2 tỷ đồng, tăng 1,5%; sản xuất và phân phối điện 222,7 tỷ đồng, giảm 3,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 44,2 tỷ đồng, tăng 1,6%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ là: phân lân nung chảy 45,7 nghìn tấn, tăng 87,3%; thép cán 68,6 nghìn tấn, tăng 16,1%; modul camera 89,6 triệu cái, tăng 42,4%; xe ô tô chở hàng 2,8 nghìn chiếc, tăng 54,5%;… Tuy nhiên, một số sản phẩm lại có mức sản xuất giảm như: giày, dép các loại 9,3 triệu đôi, giảm 9,3%; phân urê 114,4 nghìn tấn, giảm 16,7%; phân NPK 17,3 nghìn tấn, giảm 31,6%; linh kiện điện tử 29,0 triệu cái, giảm 18,1%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 12,0 nghìn chiếc, giảm 31,9%;...
Về thương mại, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ quý I/2022 ướcđạt 10.769,1 tỷ đồng, tăng 7% so với quý I/2021. Toàn bộ 12/12 nhóm hàng đều có doanh thu tăng, cụ thể: lương thực, thực phẩm ước đạt 2.827,4 tỷ đồng, tăng 10,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 1.052,0 tỷ đồng, tăng 4,3%; gỗ và vật liệu xây dựng 1.599,4 tỷ đồng, tăng 11,5%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) 474,3 tỷ đồng, tăng 5,0%; xăng, dầu các loại 967,4 tỷ đồng, tăng 16,6%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm 372,7 tỷ đồng, tăng 19,3%;..
Vể ngoại thương,tổng trị giá hàng xuất khẩu trong quý I/2022 ước đạt gần 717,7 triệu USD, tăng 11,1% so với quý I/2021. Một số mặt hàng xuất khẩu trong quý tăng khá so với cùng kỳ như: quần áo các loại 21,1 triệu chiếc, tăng 44,6%; găng tay các loại 1,3 triệu đôi, tăng 36,1%; giày, dép các loại 19,8 triệu đôi, tăng 59,1%; camera và linh kiện 80,5 triệu sản phẩm, tăng 10,8%; phôi nhôm 5,9 nghìn tấn, tăng 74,9%.... Tuy nhiên một số sản phẩm xuất khẩu lại có mức giảm sút như: hàng thêu ren 20,1 nghìn chiếc, giảm 44,1%; xi măng, clanke 2,8 triệu tấn, giảm 28,6%; phân urê 1,4 nghìn tấn, giảm 97,6%...Tổng giá trị nhập khẩu quý I/2022 ước đạt gần 920,8 triệu USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: vải may mặc 42,6 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 106,9 triệu USD; linh kiện điện tử 360,4 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 296,8 triệu USD...

Nguyễn Ngọc – VP Sở