Hội nghị phổ biến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

Sáng 31/3, Sở Công Thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ biến Hiệp định RCEP nhằm giới thiệu cho cán bộ phụ trách công tác xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh các nội dung chính của Hiệp định RCEP, lộ trình mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan… các vấn đề cần lưu ý khi thực thi quy tắc xuất xứ và hướng dẫn khai báo C/O mẫu trong Hiệp định RCEP. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Kiên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở; đại diện lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu; các đồng chí báo cáo viên của Bộ Công Thương cùng đại diện của trên 80 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Duy Phương

Phát biểu khai mạc hội nghị đồng chí Hoàng Trung Kiên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế có vai trò hết sức quan trọng, mở ra không gian phát triển cho nền kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam thực hiện chiến lược cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn, thúc đẩy cải cách, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 FTA đã có hiệu lực và 2 FTA đang trong quá trình đàm phán. Các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký và đang đàm phán hầu hết đều là FTA thế hệ mới với mức độ tự do hoá cao có tác động lớn đến thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu. Hiệp định RCEP giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013. Tháng 11/2019, các nước thành viên đã cơ bản hoàn tất đàm phán văn kiện RCEP. Đến ngày 02/11/2021, đã có 06 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, và 04 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Việt Nam có mối quan hệ thương mại - đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên ký kết RCEP, so với các FTA của ASEAN và ASEAN với các đối tác, Hiệp định RCEP có phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa mạnh và có tiêu chuẩn cao hơn ở nhiều khía cạnh. Do đó, việc thực thi RCEP được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng. Để có thể tận dụng tốt nhất các ưu đãi mà Rcep mang lại đồng chí đề nghị các đại biểu thực hiện đúng nội dung chương trình đã đề ra, tập trung lắng nghe, sôi nổi thảo luận những vẫn đề mà doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm như: lộ trình miễn giảm thuế, cách xác định xuất xứ hàng hoá, khai báo C/O mẫu Rcep... Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy xuất khẩu của địa phương.
Hội nghị đã được nghe các đồng chí báo cáo viên của Bộ Công Thương giới thiệu Hiệp định RCEP và Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP; phổ biến các nội dung về khác biệt thuế, cách xác định nước xuất xứ trong trường hợp khác biệt thuế; giới thiệu một số lợi thế của Hiệp định RCEP so với FTA khác, thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa; quy trình cấp, khai báo C/O mẫu RCEP trên ecosys. Đặc biệt tại hội nghị, để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn nội dung về khác biệt thuế quan của các nước nhập khẩu trong Hiệp định RCEP, Sở Công Thương giới thiệu bản Demo tra cứu khác biệt về thuế trong Hiệp định RCEP trên mạng internet giúp các tổ chức, cá nhân tra cứu tiện lợi trong quá trình làm thủ tục khai báo, cấp C/O mẫu RCEP.


Tin: Đỗ Tân - phòng XNK