Ngày 14 tháng 01 năm 2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 143/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với cáp thép dự ứng lực từ Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Trung Quốc, với mức thuế từ 9,79% đến 28%. Quyết định này được đưa ra sau khi kết luận điều tra xác nhận hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia trên bị bán phá giá, gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước. Các sản phẩm xuất xứ từ quốc gia khác không bị ảnh hưởng.
Dự báo năm 2025 từ Cục Phòng vệ thương mại, số vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng Việt sẽ tiếp tục tăng mạnh, với mức độ phức tạp cao hơn. Năm 2024, Việt Nam đối mặt với 32 vụ điều tra từ 12 thị trường, chủ yếu từ Hoa Kỳ. Các ngành xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử cần chú ý đến các biện pháp bảo vệ thương mại, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia tăng cường sử dụng các quy định mới để áp thuế cao hơn.
Cục Phòng vệ thương mại cảnh báo các ngành như gỗ, thép, nhôm, kính nổi và nhựa PET có nguy cơ cao bị điều tra. Theo các chuyên gia, việc tăng cường sử dụng nguyên liệu nội địa, đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu và minh bạch hóa xuất xứ sản phẩm sẽ là những biện pháp quan trọng giúp các ngành xuất khẩu của Việt Nam bền vững hơn và giảm thiểu rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, việc sử dụng nguyên liệu từ các thị trường không nằm trong danh sách bị điều tra sẽ giúp doanh nghiệp giảm nguy cơ bị áp thuế chống lẩn tránh.
Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 400 tỷ USD trong năm 2024 và mục tiêu xuất khẩu năm 2025 đạt 450 tỷ USD, dự báo rằng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2025. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cần chủ động nắm bắt thông tin và phối hợp với cơ quan chức năng để đối phó hiệu quả với các rủi ro này, đồng thời duy trì sự phát triển bền vững trong môi trường thương mại quốc tế đầy thách thức.
Hoàng Phương - P. XNK