Bản tin Phòng vệ thương mại và khuyến cáo tháng 9/2024

Trong tháng 9 năm 2024, Việt Nam đã chứng kiến một số động thái quan trọng liên quan đến phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước và đảm bảo môi trường thương mại công bằng. Những chính sách và biện pháp mới được triển khai đang có tác động rõ rệt đến cả doanh nghiệp và thị trường. 

Bộ Công Thương đã công bố các quy định mới nhằm chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia. Các biện pháp này bao gồm việc áp dụng thuế chống bán phá giá cho một số sản phẩm kim loại và nhựa, nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh không công bằng.
Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin Đài Loan (Trung Quốc) khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể mặt hàng bị điều tra là xi măng và clinker được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) 2523.29.90.00.2 và 2523.10.90.00.3. Trước sự việc này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan cần nghiên cứu kỹ hồ sơ yêu cầu, thông báo khởi xướng và các hướng dẫn, quy định liên quan.    
Hiện nay, Hoa Kỳ là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng vụ việc nước ngoài điều tra với Việt Nam (chiếm 25%), gồm: 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại và 3 vụ việc tự vệ.
Tính chung nửa đầu năm, hàng xuất khẩu Việt Nam đối diện với 252 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Mức này tăng 21 vụ so với cùng kỳ 2023, tương đương 9%. Các vụ điều tra 6 tháng đầu năm chủ yếu là chống bán phá giá (138 vụ), tự vệ (50), chống lẩn tránh (37) và chống trợ cấp (27). Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình thị trường, chính sách từ phía Hoa Kỳ, phối hợp với cơ quan chức năng để tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp trong vụ việc điều tra này. Đồng thời, cần đảm bảo tốt công tác lưu giữ chứng từ, hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ truy xuất nguồn gốc các nguyên vật liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất, gia công, chế biến, lắp ráp sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ
 Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu các mặt hàng trong danh mục sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu vào các thị trường lớn, Sở Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. 


Hoàng Phương - P. XNK