Bản tin xuất nhập khẩu và phòng vệ thương mại tháng 3

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông báo về việc Ủy ban Thương mại Hàn Quốc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản và Trung Quốc. Cuộc điều tra được tiến hành dựa trên đơn đề nghị của nhà sản xuất thép nội địa Hyundai Steel, nhằm xem xét liệu các sản phẩm thép nhập khẩu từ Nhật Bản và Trung Quốc có gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước hay không. Các sản phẩm bị điều tra thuộc mã HS từ 7208.10.1000 đến 7226.91.9000. Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam theo dõi sát sao diễn biến vụ việc, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thép sang thị trường Hàn Quốc.

Cũng theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, ngày 05/03/2025, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã kêu gọi chính phủ nước này cứng rắn hơn trong việc thực thi luật thương mại, đặc biệt là truy tố hình sự đối với các công ty Trung Quốc trốn thuế bằng cách vận chuyển hàng hóa qua các nước thứ ba như Ô-man, Thái Lan, Việt Nam và UAE. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng hành vi này đã gây thất thu thuế và buộc nhiều công ty nội địa phải đóng cửa nhà máy, cắt giảm việc làm.
Kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/01/2025, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã leo thang đáng kể. Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm tăng thuế lên 20% đối với một số mặt hàng. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế bổ sung 10-15% lên các sản phẩm nông sản và công nghiệp của Hoa Kỳ, đồng thời bổ sung 12 công ty Hoa Kỳ vào Danh sách thực thể không đáng tin cậy (UEL), hạn chế đầu tư và xuất khẩu của các công ty này. 
Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tại Ninh Bình, đặc biệt là trong các ngành như dệt may, điện tử, và chế biến nông sản, có thể chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do thuế quan và các biện pháp trả đũa. Điều này làm tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc cần lưu ý đến nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp. Ví dụ, các sản phẩm như thép, gỗ dán, và hàng điện tử có thể bị ảnh hưởng nếu Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các doanh nghiệp tại Ninh Bình có thể tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như EU, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Đồng thời, việc đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu cũng giúp giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Sở Công Thương Ninh Bình khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan đến các mặt hàng nêu trên đề nghị các doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến các vụ điều tra, đặc biệt là diễn biến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về các biện pháp thuế quan và hạn chế thương mại, để có biện pháp ứng phó kịp thời và bảo vệ quyền lợi chính đáng trên thị trường quốc tế.


Hoàng Phương - P. XNK