Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về doanh xăng dầu

Ngày 01/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 02/01/2022.

Theo đó Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định một số điểm mới so với Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, như:
Về đối tượng áp dụng quản lý: Bổ sung đối tượng quản lý bao gồm cả xăng dầu được sản xuất từ các nguyên liệu khác dầu thô, cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép, đưa loại hình kinh doanh bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ vào quản lý, đổi tên thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, quy định lại quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với thực trạng cơ cấu nguồn xăng dầu hiện hành. 
Điều kiện kinh doanh xăng dầu cũng được sửa đổi: Bỏ quy định về việc thương nhân đầu mối không được cho thuê kho, phương tiện vận tải, bỏ khái niệm “đồng sở hữu” cửa hàng bán lẻ xăng dầu quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, thay vào đó thương nhân được thuê cửa hàng bán lẻ xăng dầu để thực hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu, đồng thời sửa đổi quy định về thủ tục hành chính đối với các cửa hàng thuê, sửa đổi; sửa đổi yêu cầu về hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; bổ sung điều kiện cụ thể đối với hoạt động kinh doanh nhiên liệu hàng không.
 

Ảnh: Cửa hàng xăng dầu Cửu Long, xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn


Quy định thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng với ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ đó. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được ngừng bán hàng mà không cần phải được Sở Công Thương chấp nhận trong trường hợp lý do bất khả kháng, như: Cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng.
Ngoài các nội dung trên, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan như: Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; nguyên tắc điều hành giá xăng dầu; công thức giá cơ sở; công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu; trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân... đồng thời bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được cấp Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, Giấy xác nhận kinh doanh xăng dầu, Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu được tiếp tục hoạt động theo các điều kiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cho đến khi các Giấy phép, Giấy xác nhận, Giấy chứng nhận hết hiệu lực hoặc có sự thay đổi về điều kiện kinh doanh xăng dầu. Đối với những hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại Giấy phép, Giấy xác nhận và Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu gửi đến các cơ quan chức năng đầy đủ và hợp lệ trước ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực thì áp dụng các điều kiện về kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. 
Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022. Chi tiết xem tại đây.


Tin và ảnh: Đinh Thị Thúy - Phòng Thương mại