Công tác quản lý nhà nước và tình hình hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2018

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 40 đơn vị tham gia hoạt động vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) để nổ mìn phục vụ khai thác đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường và nguyên liệu sản xuất xi măng. Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để nổ mìn là khâu quan trọng, cần thiết trong khai thác chế biến đá xây dựng, nó quyết định đến năng suất và giá thành sản nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hậu quả về trật tự an ninh xã hội, môi trường, đời sống của nhân dân và các ngành kinh tế khác vì vậy công tác quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) luôn được quan tâm.

 

 

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

 

Năm 2018, Phòng Kỹ thuật an toàn và Môi trường (KTAT&MT) đã thẩm định hồ sơ, tham mưu cho Lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh cấp mới, cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN cho 12 đơn vị, trình lãnh đạo Sở cấp 04 Giấy phép sử dụng VLNCN cho các đơn vị khai thác khoáng sản; cấp 08 đăng ký giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Tổ chức hội nghị giám sát ảnh hưởng do nổ mìn và báo cáo UBND tỉnh tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri về việc nổ mìn tại mỏ đá Hang Nước II xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp và xã Gia Hòa, xã Gia Thanh huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; Triển khai văn bản yêu cầu DNTN Xây dựng và Kinh doanh VLXD Xuân Học tạm dừng việc nổ mìn tại mỏ đá núi Lòng Lan xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, đồng thời phối hợp kiểm tra hoạt động VLNCN của đơn vị này theo kiến nghị của UBND thành phố Tam Điệp. Tổ chức hội nghị làm rõ hoạt động VLNCN của DNXD Xuân Trường tại Đồi Thông tin xã Kỳ Phú huyện Nho Quan làm ảnh hưởng đến nhà và công trình của dân báo cáo UBND tỉnh; Phối hợp với các ngành tổ chức hội nghị kiểm tra và tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản của Tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng Hồng Hải. 

 

Năm 2018 cũng là năm mà các văn bản quy phạm pháp luật về VLNCN có nhiều thay đổi, cụ thể: Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017; Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp. Phòng KTAT&MT đã xây dựng và tham mưu cho lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý VLNCN trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND ngày 25/9/2018) đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản mới cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, cấp xã nơi có hoạt động VLNCN biết để thực hiện.

 

Tính đến ngày 31/12/2018 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 40 đơn vị được cấp Giấy phép hoạt động VLNCN, trong đó có: 03 đơn vị do Bộ Công Thương cấp phép (01 đơn vị sử dụng VLNCN, 02 đơn vị cung ứng VLNCN và hoạt động dịch vụ nổ mìn); 37 đơn vị còn lại do UBND tỉnh Ninh Bình và Sở Công Thương cấp Giấy phép sử dụng VLNCN phục vụ khai thác khoáng sản và xây dựng công trình. Năm 2018, các đơn vị trên địa bàn tỉnh sử dụng 2.066 tấn thuốc nổ tăng 13% so với năm 2017 và 247.000 kíp các loại. Nhìn chung, hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, các đơn vị không để xảy ra tại nạn do vật liệu nổ, không để thất thoát ra bên ngoài làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hoạt động VLNCN đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương. 

 

Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trên cả nước lĩnh vực này còn một số tồn tại như: nhiều khu khai thác nhỏ lẻ, diện tích nhỏ, hành lang an toàn để nổ mìn không đáp ứng đủ cho toàn bộ khu mỏ; các kho VLNCN được các đơn vị đầu tư xây dựng từ trước, hiện nay, vẫn còn một số kho có vị trí không đảm bảo an toàn. Một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc trong việc lập hồ sơ quản lý VLN và hộ chiếu nổ mìn; còn hiện tượng sử dụng lao động chưa đúng quy định, đặc biệt là việc chấp hành các quy định về an toàn theo pháp luật và hồ sơ kỹ thuật thi công, phương án, hộ chiếu nổ mìn đã được phê duyệt. Một số đơn vị chấp hành các quy định về an toàn chưa nghiêm túc; không phối hợp với chủ các công trình (đặc biệt là nhân dân) thỏa thuận hoặc giải phóng đủ hành lang an toàn nổ mìn nên vẫn tồn tại hiện tượng khiếu nại, khiếu kiện hoạt động nổ mìn./.

 

                                                                                                                                  Đào Thanh Tân – TP. KTAT&MT