Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2019: Hướng tới phát triển sản phẩm phục vụ du lịch và năm du lịch quốc gia Ninh Bình 2020

Triển khai Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 17/7/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 259/KH-SCT về việc triển khai Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2019. Cuộc thi nhằm khuyến khích các cá nhân, nghệ nhân, thợ giỏi phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, có tính sáng tạo, giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao phù hợp thị hiếu khách hàng, góp phần phát triển mẫu mã sản phẩm mới cho các làng nghề, đặc biệt những sản phẩm có khả năng trở thành quà lưu niệm cho các hoạt động phục vụ du lịch.

Ban giám khảo thảo luận chấm điểm các mẫu sản phẩm dự thi. Ảnh Hoàng Thị Thùy.

Để triển khai cuộc thi, Sở Công Thương đã thành lập Ban tổ chức, Bộ phận giúp việc Ban tổ chức; xây dựng và ban hành thể lệ Cuộc thi, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, các hiệp hội ngành nghề, làng nghề, các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh để vận động các tổ chức, cá nhân có khả năng sáng tác mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia cuộc thi. 
Sau quá trình triển khai phổ biến, hướng dẫn, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 52 mẫu sản phẩm của 29 tổ chức, cá nhân đăng ký dự thi, trong đó 08 mẫu sản phẩm cói bèo, 14 mẫu sản phẩm đá mỹ nghệ, 07 mẫu sản phẩm thêu ren, 06 mẫu sản phẩm gỗ, 15 mẫu sản phẩm gốm sứ và 02 mẫu sản phẩm lá bồ đề. Các tác phẩm tham gia dự thi hầu hết đã đáp ứng được các tiêu chí mà thể lệ cuộc thi đặt ra, có nhiều sản phẩm là mẫu sáng tác mới, hoặc được cải tiến so với mẫu sản phẩm cũ, đã được nghiên cứu, sáng tạo phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và mang tính thẩm mỹ cao, chủ yếu tập trung vào các mẫu sản phẩm nhỏ gọn làm quà tặng, lưu niệm và các mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu. Mẫu sản phẩm dự thi đã phát huy được tính mới, tính sáng tạo, nhiều sản phẩm đã có thiết kế gắn với các địa danh, các điểm du lịch, các danh nhân văn hoá lịch sử của tỉnh Ninh Bình, thể hiện tính biểu trưng rõ nét. Các sản phẩm đa phần đến từ các làng nghề đặc trưng trong tỉnh như làng gốm cổ Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô), làng gốm Xích Thổ, Gia Thủy (huyện Nho Quan), làng nghề thêu Văn Lâm, làng nghề đá Ninh Vân (huyện Hoa Lư), làng nghề mộc Quỳnh Phong (huyện Nho Quan), làng nghề mộc Phúc Lộc (thành phố Ninh Bình), các làng nghề cói huyện Kim Sơn, ….

Mẫu sản phẩm Bình gốm sứ tụ khí tứ cảnh Ninh Bình của tác giả Lê Thị Thúy, Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát - giải Đặc biệt Cuộc thi mẫu Sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2019. Ảnh Hoàng Thị Thùy.

Dựa theo các yêu cầu: mẫu sản phẩm phải mang đậm tính đặc trưng về văn hóa, lịch sử, con người Ninh Bình, các danh thắng, địa danh độc đáo đã có trong tỉnh; mẫu sản phẩm mới hoặc được cải tiến thể hiện sự khác biệt với các địa phương khác; có kiểu dáng, chất liệu, nguyên liệu, màu sắc đẹp, hài hòa, ấn tượng; có kích thước, trọng lượng gọn, nhẹ, dễ cầm, dễ mang, giá cả phù hợp với hàng lưu niệm, thuận tiện để sản xuất đại trà; nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm có nhiều ở địa phương, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, ... Ban giám khảo cuộc thi đã rà soát, chấm điểm và lựa chọn ra 31 mẫu sản phẩm đoạt giải, trong đó: 01 mẫu sản phẩm đạt giải đặc biệt (Bình gốm sứ tụ khí tứ cảnh Ninh Bình); 05 mẫu sản phẩm đoạt giải A (01 mẫu gốm sứ, 02 mẫu bình sành, 01 mẫu thêu ren, 01 mẫu đá); 05 mẫu sản phẩm đoạt giải B (01 mẫu gỗ, 01 mẫu cói, 01 mẫu gốm sứ, 01 mẫu thêu ren, 01 mẫu đá); 05 mẫu sảnphẩm đoạt giải C (01 mẫu gỗ, 02 mẫu bình sành, 01 mẫu tranh đá, 01 mẫu tranh lá bồ đề) và 15 mẫu sản phẩm đoạt giải khuyến khích. Đáng chú ý là mẫu sản phẩm Bình gốm sứ tụ khí tứ cảnh Ninh Bình của tác giả Lê Thị Thúy, Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát đoạt giải đặc biệt đã được Ban giám khảo đánh giá rất cao do đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: sản phẩm nhỏ gọn, được sản xuất thủ công thân thiện với môi trường, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và mang tính thẩm mỹ cao (màu men đẹp, sắc nét, trang trí quanh bình là 4 danh thắng đặc trưng của Ninh Bình: Đền thờ Vua Đinh, nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Chùa Bái Đính).
Căn cứ vào kết quả chấm điểm thực tế và cơ cấu giải thưởng theo quy định của Thể lệ Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2019 và đề nghị của Ban Tổ chức, ngày 22/8/2019, Giám đốc Sở Công Thương đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-SCT công nhận kết quả và khen thưởng cho các mẫu sản phẩm đạt giải, cụ thể:
- 01 sản phẩm đạt giải đặc biệt với mức tiền thưởng 05 triệu đồng/giải
- 05 sản phẩm đạt giải A với mức tiền thưởng 03 triệu đồng/giải.
- 05 sản phẩm đạt giải B với mức tiền thưởng 02 triệu đồng/giải.
- 05 sản phẩm đạt giải C với mức tiền thưởng 1,5 triệu đồng/giải.
- 15 sản phẩm đạt giải Khuyến khích với mức tiền thưởng 01 triệu đồng/giải.
Bên cạnh những tác phẩm xuất sắc, sáng tạo được Ban giám khảo đánh giá cao, một số tác phẩm dự thi chưa thực sự đặc sắc, ấn tượng, chưa được đầu tư về kỹ thuật, mỹ thuật nên sản phẩm chưa được trau chuốt, tinh xảo, hoặc các sản phẩm đã mang tính đặc trưng nhưng chưa thể hiện bằng tên địa danh, địa phương, di tích lịch sử của Ninh Bình trên bề mặt sản phẩm; một số mẫu sản phẩm khó sản xuất đại trà, Ban giám khảo đã đưa ra những đóng góp ý kiến để Tổ giúp việc tổng hợp, chuyển đến các tác giả để hoàn thiện tác phẩm.
Qua Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2019, Sở Công Thương tiếp tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia cuộc thi không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến mẫu mã và phương thức sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, có kiểu dáng phù hợp với thị hiếu khách hàng, thể hiện những nét đặc trưng của tỉnh Ninh Bình để thu hút được sự quan tâm, tạo sức hấp dẫn đối với khách tham quan, du lịch trong và ngoài tỉnh đến Ninh Bình, góp phần nâng cao chất lượng quảng bá tiềm năng kinh tế, văn hoá - lịch sử và du lịch, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Ninh Bình. Đặc biệt hơn khi Ninh Bình được chọn đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2020, với khoảng 90 sự kiện trong Năm Du lịch và hơn 30 sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là cơ hội để Ninh Bình quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch, việc sáng tác và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng của Ninh Bình phục vụ du lịch giúp các cá nhân, tổ chức, làng nghề quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của mình đến khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các tác giả có mẫu sản phẩm đạt giải là một trong những tiêu chí để xét công nhận nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình, các cơ sở công nghiệp nông thôn có mẫu sản phẩm đạt giải được xem xét ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh Ninh Bình trong việc ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu; tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn, …


Hoàng Thị Thùy - QLCN