Theo đó, Sở Công Thương đề nghị Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Ninh Bình, Công ty TNHH Hải Nam, Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ năng lượng Bát Cảnh Sơn tập trung chỉ đạo và thực hiện một số nội dung như sau: Kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống lưới điện đang cung cấp điện cho các Khu, Cụm công nghiệp, từ đó xây dựng phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống lưới điện, nhằm mục tiêu tăng cường độ tin cậy trong cung cấp điện; chủ động xây dựng và triển khai phương án cung ứng điện trong mùa nắng nóng và đặc biệt là trong mùa mưa bão năm 2022.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống điện trong các Khu, Cụm công nghiệp do đơn vị quản lý, vận hành nhằm chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện để nhanh chóng, kịp thời khắc phục sự cố lưới điện và sự cố bất khả kháng có thể xảy ra trong quá trình vận hành, nhằm giảm thiểu thời gian mất điện.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát các trạm biến áp của khách hàng, thực hiện nghiêm túc việc thí nghiệm định kỳ các thiết bị điện theo quy định về thí nghiệm trên hệ thống điện phân phối từ Điều 92 đến điều 98 Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 của Bộ Công Thương quy định hệ thống điện phân phối. Yêu cầu các khách hàng tiến hành thay thế, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị điện, nhằm đáp ứng theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành để tránh việc sự cố lưới điện của khách hàng sử dụng điện làm ảnh hưởng đến lưới điện trong các Khu, Cụm công nghiệp.
Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Ninh Bình kiểm tra hệ thống lưới điện,
đảm bảo cấp điện ổn đinh trên địa bàn tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị kinh doanh, bán lẻ điện trong khu, Cụm công nghiệp trong việc trao đổi thông tin về tình hình ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với các phụ tải trong cụm công nghiệp. Việc ngừng, giảm cung cấp điện phải tuân thủ theo đúng quy định hiện hành, trong trường hợp bất khả kháng phải xác định rõ nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng và thông báo cho các doanh nghiệp dự kiến thời gian cấp điện trở lại.
Xây dựng phương án và bố trí nguồn kinh phí để cải tạo, sửa chữa nâng cấp lưới điện đảm bảo cung cấp điện ổn định. Về lâu dài đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình xây dựng phương án đầu tư riêng đường dây trung áp phục vụ cho các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Ninh Bình, Công ty TNHH Hải Nam, Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ năng lượng Bát Cảnh Sơn đã triển khai một số giải pháp đưa nhằm đảm bảo việc cấp điện ổn định và liên tục cho doanh nghiệp các Khu công nghiệp và các Cụm công nghiệp. Trong đó các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống lưới điện đang cung cấp điện cho các Khu, Cụm công nghiệp, xây dựng phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống lưới điện, nhằm mục tiêu tăng cường độ tin cậy trong cung cấp điện. Thường xuyên duy trì công tác kiểm tra hệ thống điện, Kiểm tra định kỳ ngày đêm, thực hiện công tác kiểm tra đo nhiệt độ, thí nghiệm định kỳ các thiết bị điện nhằm chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện để nhanh chóng, kịp thời khắc phục sự cố lưới điện và sự cố bất khả kháng có thể xảy ra trong quá trình vận hành, nhằm giảm thiểu thời gian cắt điện. Tiến hành kiểm tra, rà soát các trạm biến áp của khách hàng, yêu cầu thí nghiệm định kỳ các thiết bị điện theo quy định về thí nghiệm tại Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 của Bộ Công Thương. Đề nghị khách hàng sử dụng điện thay thế, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị điện, nhằm đáp ứng theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành để tránh việc sự cố lưới điện của khách hàng sử dụng điện làm ảnh hưởng đến lưới điện trong các Khu, Cụm công nghiệp. Tăng cường sự giữa các đơn vị trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trong việc trao đổi thông tin về tình hình ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với các phụ tải trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp. Toàn bộ kế hoạch cắt điện tới các khách hàng được lập kế hoạch theo quy định và gửi thông báo đến từng khách hàng trước 5 ngày bằng văn bản và tin nhắn qua Zalo, SMS. Trường hợp đột xuất sẽ báo trực tiếp trước 01 tiếng tới khách hàng. Các trường hợp mất điện do sự cố thì được vận hành điện lực thông báo trực tiếp đến khách hàng qua việc gọi điện trực tiếp để thông báo nguyên nhân sự cố cũng như dự định thời gian khắc phục sự cố để cho khách hàng chủ động trong sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ Công Thương quy định điều kiện, trình tự ngừng giảm mức cung cấp điện.
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng chủ động trong công tác phối hợp quản lý vận hành, ký kết hợp đồng khoán quản, yêu cầu khách hàng đảm bảo các thiết bị đến hạn kiểm định cần thực hiện thí nghiệm kiểm định đúng thời gian.
Nguyễn Việt Hùng - Phòng Năng lượng