Hiện nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu ổn định, hàng hóa phong phú đa dạng cung ứng đầy đủ nhu cầu người dân. Theo thống kê, sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh đạt: 462.242 tấn/năm, trong đó thóc 442.751 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 53.525 tấn, trong đó thịt lợn hơi: 38.075 tấn; trứng gia cầm: 153.680.000 quả; sản lượng thủy sản: 58.782 tấn trong đó nuôi trồng 52.235 tấn; khai thác: 6.547 tấn. Do vậy, ưu tiên sử dụng nguồn hàng tự cung ứng từ nông sản trong tỉnh đáp ứng cơ bản được 80-85% nhu cầu toàn tỉnh; số lượng còn lại sẽ do các đầu mối cung ứng. Đối với nhóm hàng công nghệ phẩm như mỳ tôm, dầu ăn, mắm, muối… sẽ được cung ứng bởi các đơn vị, nhà phân phối, các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu. Các đơn vị đã tăng lượng hàng dự trữ từ 50-100% và luôn sẵn sàng cung ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh khi có các tình huống dịch diễn ra.
Ảnh: Cửa hàng tiêu dùng tự chọn tại thành phố Ninh Bình.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở đã thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các vấn đề có liên quan đến dự trữ, cung ứng và lưu thông hàng hoá thiết yếu không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.
Nhằm chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa ứng phó diễn biến mới dịch Covid-19, Sở Công thương đã ban hành phương án số 679/PA-SCT ngày 2/6/2021 về đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu ứng phó dịch Covid 19; Phương án số 1011/PA-SCT ngày 22/7/2021 về đảm bảo lưu thông cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân ứng phó diễn biến của dịch bệnh Covid-19; Phương án số 1291/PA-SCT ngày 8/9/2021 về cung ứng, phân phối các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong trường hợp phải giãn cách xã hội để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo các tình huống; Kế hoạch số 1127/KH-SCT ngày 9/8/2021 về xây dựng chợ tạm và tổ chức phiên chợ lưu động trên địa bàn tỉnh; ban hành Văn bản số 719/SCT-QLTM ngày 7/6/2021 về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; Văn bản số: 1078/SCT - TM ngày 30/7/2021 về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực kinh doanh thương mại; Văn bản số 1245/SCT-TM ngày 27/8/2021 về việc chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid 19 tại các chợ, TTTM, siêu thị, nhà hàng.
Hướng dẫn các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng đăng nhập tài khoản và thực hiện đánh giá mức độ an toàn trên ứng dụng hệ thống antoancovid.vn; Theo dõi, đôn đốc các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng thực hiện các thủ tục đánh giá mức độ an toàn, thường xuyên cập nhật tình trạng lên Bản đồ chung sống an toàn Covid-19.
Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục theo dõi tình hình thị trường giá cả hàng hoá, nắm bắt kịp thời hàng hoá thiết yếu dự trữ để ứng phó với tình hình dịch Covid-19; hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nhân dân và các tỉnh, đôn đốc UBND các huyện, thành phố xây dựng Phương án đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu ứng phó với dịch Covid-19 và việc cập nhật trạng thái lên Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19.
Đinh Thị Thuý - Phòng Thương mại