Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó có kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, qua đó đã hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP đối với các phòng Kinh tế - hạ tầng/kinh tế các huyện, thành phố và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh.
Khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh rượu tại DNTN Phú Quý, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn. Ảnh: Bùi Hoàng Hải
Sở Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan nắm được và thực hiện theo quy định.
Sau gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, nhiều đơn vị đã nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh rượu. Sở Công Thương đã cấp 01 Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp với tổng công suất 60.000 lít/năm, hiện nay 01 cơ sở đang trong giai đoạn sản xuất thử và cấp 14 Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cho 14 cơ sở sản xuất rượu thủ công với tổng công suất 173.300 lít/ năm; cấp 04 Giấy phép kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu, trong năm 2018, tổng số lượng mua vào của 04 doanh nghiệp là 17.993 triệu đồng, bán ra là 16.110 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2019, tổng số lượng mua vào của 04 doanh nghiệp là 8.400 triệu đồng, bán ra là 7.990 triệu đồng. Phòng Kinh tế (Kinh tế và Hạ tầng) các huyện, thành phố đã cấp 346 giấy phép các loại, trong đó 248 giấy phép bán lẻ rượu và 98 giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
Bên cạnh kết quả bước đầu đã đạt được, hiện nay vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh chưa được cấp giấy phép do phần lớn các hộ nấu rượu thủ công trên địa bàn tỉnh chủ yếu nấu rượu để bán lẻ cho các hộ dân quanh thôn, xóm với số lượng không lớn và không thường xuyên; việc hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy phép còn hạn chế, nhất là các quy định về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy, quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm trong khi việc kinh doanh bán lẻ rượu của nhiều hộ có quy mô nhỏ, chủ yếu kết hợp với kinh doanh nhiều mặt hàng khác nên họ ít quan tâm, tìm hiểu các quy định về mặt hàng kinh doanh có điều kiện này; nhiều cơ sở kinh doanh bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định vì vậy không đủ điều kiện để cấp Giấy phép bán lẻ rượu hoặc Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu, trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu; hạn chế sản xuất rượu thủ công (trừ trường hợp sản xuất nhằm mục đích kinh doanh); không sử sụng cồn công nghiệp, nguyên liệu không đảm bảo an toàn, không thuộc loại dùng cho thực phẩm để sản xuất rượu, bên cạnh việc tổ chức các hội nghị triển khai trên địa bàn các huyện, thành phố, Sở Công Thương đang bên soạn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu để các phường, xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Thị Thùy-QLCN