Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh

Ngày 13/3/2023, Đoàn Giám sát do bàTrần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Công Thương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Làm việc với Đoàn, có các đồng chí lãnh đạo Sở Công Thương, các phòng chuyên môn và đại diện một số sở, ngành, đơn vị có liên quan.

Hình ảnh tại buổi làm việc

Báo cáo tại hội nghị, Sở Công Thương đã nêu khái quáttình hình cung cấp điện khu vực tỉnh Ninh Bình,về cơ bản lưới điện trong những năm qua đã đảm bảo đủ nguồn công suất và cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân cũng như đảm bảo cấp điện cho các dịp Lễ, Tết, các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn.

Về công tác chuyển đổi, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch Ninh Bình hiện có 2 nhà máy xi măng The Vissai và nhà máy xi măng Hướng Dương tận dụng nhiệt dư trong quá trình sản xuất để phát điện. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tích cực phối hợp tuyên truyền công tác tiết kiệm năng lượng; hàng năm có triển khaihưởng ứng Sự kiện Giờ Trái đất nhằm kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các cơ sở kinh doanh và hộ gia đình tắt các thiết bị điện không cần thiết trong vòng 01 giờ để hưởng ứng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dần hình thành thói quen tiết kiệm điện, góp phần bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn 2016-2021, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật của địa phương về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển năng lượng của địa phương đầy đủ tính pháp lý, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên, đồng bộ với các quy hoạch của tỉnh và quốc gia, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn được đề xuất tháo gỡ như sau: Xây dựng lộ trình phù hợp đối với việc dừng nhà máy Nhiệt Điện Ninh Bình và tháo dỡtrạm biến áp 220kV thành phố Ninh Bình; Cần hoàn thiện khung pháp lý trong phát triển năng lượng tái tạo, có cơ chế thuận lợi trong việc thu hồi đất để xây dựng các công trình lưới điện. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trong đó có công trình điện, nhất là xây dựng hạng mục dùng chung cho các công trình đồng bộ để tạo mỹ quan, giảm chi phí đầu tư, tránh chồng chéo giữa các văn bản hướng dẫn thực hiện của các cơ quan nhà nước.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc quy hoạch sử dụng năng lượng tái tạo ở địa phương; quy hoạch hạ tầng của ngành Điện gắn với quy hoạch của tỉnh; khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đối với hệ thống lưới điện; công tác đảm bảo hành lang an toàn lưới điện; tiết kiệm điện; thực trạng việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời và trách nhiệm trong công tác quản lý việc thu gom, xử lý rác thải đối với tấm pin mặt trời; cơ chế, chính sách đầu tư cho hệ thống thu hồi nhiệt để tái tạo năng lượng, sản xuất điện trong các nhà máy; khả năng đầu tư xây dựng nhà máy điện rác trên địa bàn tỉnh…

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021. Đoàn đề nghị Sở Công Thương phối hợp với các ngành chức năng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tổ chức thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả; tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế  - xã hội trên địa bàn. Những ý kiến, kiến nghị của Sở, Đoàn sẽ tổng hợp, sớm trình đến Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành thẩm quyền liên quan để xem xét, giải quyết.

Việt Hùng - Phòng Năng lượng