Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ các FTA đẩy mạnh xuất khẩu

Năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, an ninh chính trị thế giới có nhiều biến động, chi phí đầu vào sản xuất tăng, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh đó, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường, trọng tâm là tận dụng có hiệu quả ưu đãi các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu. 

Ngay từ đầu năm, bám sát kế hoạch xuất khẩu được tỉnh giao, Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch phát triển xuất khẩu, trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) thông tin thị trường, phổ biến giới thiệu, làm rõ các lợi ích từ các FTA, các chính sách mới về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về truy xuất vùng trồng, những mặt hàng có nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, chuyển tải bất hợp pháp, biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường nhập khẩu lớn. Thông tin tình hình thông quan tại các cửa khẩu của Trung Quốc trong bối cảnh dịch Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời hướng dẫn các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thực hiện đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo quy định tại Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Bên cạnh đó Sở đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 09/02/2022 thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Đa biên, Cục Xúc tiến Thương mại  tổ chức 10 Hội nghị trực tiếp và trực tuyến phổ biến các nội dung về các hiệp định FTA như: tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm dệt may từ Hiệp định RCEP; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại; xúc tiến đầu tư, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; phổ biến quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam  - Liên minh Châu Âu; Việt Nam - Liên hiệp Vương Quốc Anh cho trên 1000 đại biểu cán bộ quản lý nhà nước và các DN có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Sản xuất linh kiện ô tô xuất khẩu tại Công ty TNHH YOOSOL Việt Nam

tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh Duy Phương

Bên cạnh đó, để giúp DN tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA), Sở Công thương đã chủ động xây dựng website www.bieuthuefta.ninhbinh.gov.vn cung cấp thông tin về 17 FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang đàm phán và đã ký kết, đồng thời hỗ trợ tra cứu trực tuyến biểu thuế quan ưu đãi mà các nước giành cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nan, giúp DN chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, mới chỉ sau 8 tháng triển khai đã nhận được sự quan tâm hết sức tích cực của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh với hơn 30.800 lượt truy cập. Nhằm hỗ trợ các DN tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, cùng với xuất khẩu truyền thống, Sở Công Thương cũng đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai hiệu quả việc ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó đã hỗ trợ 05 đề án xây dựng website TMĐT với giao diện ngôn ngữ mới và xây dựng gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử trực tuyến trên trang bán hàng toàn cầu Alibaba. Đồng thời phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số tổ chức Hội nghị tập huấn “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” cho 150 đại biểu là cán bộ DN xuất nhập khẩu, HTX trên địa bàn tỉnh, giúp các đơn vị thiết lập hệ thống phân phối uy tín, hiện đại, hỗ trợ hiệu quả cho kênh phân phối truyền thống, quảng bá thương hiệu, sản phẩm tại thị trường nước ngoài. Năm 2022, Phòng Xuất nhập khẩu đã tiếp nhận và cấp trên 6000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tiết kiệm đối đa thời gian, công sức thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá, ước đạt 3.150 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,5% so với kế hoạch năm. Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục được duy trì và mở rộng, các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam đều ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh. 

Sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty Cổ phần thương mại Lam GIang,

phường Ninh Phong, TP Ninh Bình. Ảnh: Duy Phương

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong năm 2022 hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn một số khó khăn tồn tại do tình hình COVID-19 ở nhiều nước còn diễn biến phức tạp, thị trường lớn Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero COVID-19; chi phí đầu vào sản xuất tăng, suy thoái kinh tế đã xuất hiện ở một số thị trường nhập khẩu trọng điểm của tỉnh. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của tỉnh ước đạt 3,25 tỷ USD, tăng 3,1% so với ước thực hiện năm 2022, trong bối cảnh thị trường thế giới nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu đang gặp nhiều khó khăn, các đơn hàng suy giảm thì việc đạt mục tiêu này Sở Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị phổ biến nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là thông tin thị trường đã ký FTA và các biện pháp phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế cho các cán bộ quản lý nhà nước và DN trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ cập nhật, cung cấp các quy định mới về nhập khẩu từ các nước tham gia Hiệp định FTA cho các doanh nghiệp, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục liên quan đến xuất khẩu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng có hiệu quả lộ trình giảm thuế của Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP để thúc đẩy xuất khẩu các nhóm hàng mà tỉnh có thế mạnh như may mặc, thủ công mỹ nghệ, da giày, nông sản chế biến, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… Triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm xuất khẩu của tỉnh thông qua tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến với tham tán thương mại và các đối tác lớn của tỉnh. Phối hợp với Cục XTTM thông tin kịp thời các chương trình XTTM quốc gia, hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh tham gia các đoàn XTTM tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, EU… Xây dựng và triển khai các Đề án hỗ trợ các DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến và quảng bá thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu... Thực hiện tốt chức năng đầu mối cung cấp thông tin và làm rõ các cam kết từ các FTA; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp cảnh báo sớm trong phòng vệ thương mại, thông tin về các rào cản phi thuế của các thị trường trọng điểm của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp thực thi hiệu quả mà trọng tâm là việc phổ biến quy tắc xuất xứ và tổ chức cấp C/O ưu đãi cho các DN xuất khẩu trên địa bàn và các tỉnh lân cận. 

Bài: Đỗ Tân - XNK