Ngày 02/8/2018, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ V - năm 2018 nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển, thống nhất các giải pháp thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ ngành Công Thương.
Tới dự Hội nghị có các ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương; Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Tập đoàn trực thuộc Bộ Công Thương cùng lãnh đạo 28 Sở Công Thương của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
(Ảnh: Hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2018)
Báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết: Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 trong khu vực tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) toàn khu vực đạt 3.397,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2016; giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 của khu vực ước đạt 1.772,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017. Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành trong khu vực gồm: Hà Tĩnh 89,9% ; Cao Bằng 81,1%; Bắc Giang 55,9%; Bắc Ninh 38,4%; Thái Bình 38,1%; Nghệ An 25,2%, Ninh Bình 25,05%, …
Thương mại nội địa nhìn chung ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, cung cầu được đảm bảo, giá cả cơ bản ổn định ở phần lớn các nhóm hàng. Tổng mức bán lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2017 tăng 13,2% so với năm 2016; 6 tháng đầu năm 2018 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của 28 tỉnh, thành phố đạt 105,2 tỷ USD, tăng 23,6% so với năm 2016, chiếm 49,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Công tác quản lý nhà nước về Công Thương được tăng cường và triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động Công Thương khu vực thời gian qua vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế như: Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp mặc dù đúng hướng nhưng còn chậm và chưa bền vững, sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá nhưng chủ yếu về bề rộng, chỉ số tăng trưởng chủ yếu do tăng số doanh nghiệp; tiến độ đầu tư vào các cụm công nghiệp của một số tỉnh, thành phố còn chậm, thu hút đầu tư mới còn khó khăn; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng không cao, sức mua trên thị trường đã được cải thiện nhưng thiếu số liệu tính toán đầy đủ; cung cầu hàng hóa thiếu tính bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được đầu tư nhưng xét về tổng thể còn lạc hậu, thiếu tính đồng bô, tính kết nối chưa cao…..
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhìn nhận, đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những mặt còn hạn chế và đề xuất nhiều các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động ngành Công Thương trong thời gian tới. Trong đó, có một số nội dung trọng tâm như: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp; định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp nông thôn phục vụ du lịch; đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương; hoạt động kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao những kết quả về sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại mà 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã đạt được thời gian qua. Phấn đấu 6 tháng cuối năm 2018 thực hiện hoàn thành và hoạt thành vượt mức các chỉ tiêu: Giá trị sản xuất công nghiệp 2.103 nghìn tỷ đồng, để cả năm 2018 đạt 3.876 ngìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2017; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 881 nghìn tỷ đồng, để cả năm đạt 1.591 nghìn tỷ đồng , tăng 10,7% so với năm 2017; Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 60 tỷ USD, để cả năm đạt 116 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2017. Bộ Công Thương đề nghị các địa phương quan tâm triển khai nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư công nghiệp theo chiều sâu, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối; tăng cường thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; Đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa ngành Công Thương các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung liên kết cung ứng hàng hóa, góp phần cân đối cung - cầu trong khu vực…
Lê Văn Hoan - Trưởng phòng QLCN