Hội nghị Ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc

Sáng 23/9, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII. Dự hội nghị có các đồng chí Đặng Hoài An, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Ngô Quang Trung Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình cùng đại diện lãnh đạo ngành Công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Quang

Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương đã báo cáo tình hình hoạt động của ngành Công Thương tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022,cụ thể: Năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hầu hết các tỉnh, thành phố đều tăng trưởng cao, trong đó có 13 tỉnh tăng trên 10%, cao hơn mức tăng cả nước (cả nước tăng 4,7%), có 5 địa phương xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố (IIP) đứng đầu cả nước gồm: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình. 9 tháng đầu năm 2022 có 21 tỉnh, thành phố có mức tăng trên 11%, cao hơn mức tăng của cả nước (dự kiến cả nước tăng 10,3%). Hiện toàn khu vực đã quy hoạch 992 CCN với diện tích 34.675 ha. Trong đó, có 588 CCN đã được thành lập với tổng diện tích 21.543 ha; có 429 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích sử dụng 12.042 ha.

Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt 1.787 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so cùng kỳ, cao hơn cả nước (cả nước giảm 3,8%); 9 tháng 2022 ước đạt 1.612,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 toàn vùng đạt 197,31 tỷ USD (chiếm 58,7% xuất khẩu của cả nước) và tăng 23,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cả nước (cả nước tăng 19%);  9 tháng 2022 ước đạt 160,87 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Xuất khẩu của các tỉnh trong khu vực đều tăng trưởng khá cao. Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao trong toàn khu vực là: Bắc Ninh chiếm 21,2%; Thái Nguyên chiếm 14,9%; Hải Phòng chiếm 12,6%;..

         Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những chỉ tiêu đạt được của ngành Công thương từ năm 2021 đến nay. Đồng thời, chỉ ra những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hội nghị cũng đã đưa ra các nhận định, phân tích, dự báo về tình hình sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp trong 3 tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo. Nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của ngành Công thương năm 2022, Bộ, ngành và các tỉnh, thành trong khu vực cần tập trung thực hiện có hiệu quả 14 nhóm giải pháp mà Bộ Công thương đã định hướng. Trong đó, các các giải pháp trọng tâm, như: Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, thương mại; tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh: Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong báo cáo, đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau: Đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế... để hoàn thành các mục tiêu năm 2022. Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển trên thị trường nội địa. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng trên môi trường số, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa,...

Trong khuôn khổ các sự kiện thuộc Chuỗi hoạt động ngành Công Thương cấp khu vực phía Bắc năm 2022 do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, Sở Công Thương Ninh Bình tham gia Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022. Đây là dịp để Sở Công Thương Ninh Bình quảng bá giới thiệu hình ảnh, tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến với các tỉnh thành trong cả nước, là cầu nối giúp các doanh nghiệp tại tỉnh trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tin tức: Nguyễn Ngọc - VP Sở