Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 FTA đã có hiệu lực đang thực hiện và 2 FTA đang trong quá trình đàm phán. Tham gia FTA là cơ hội để nước ta tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh cơ hội về thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu nhờ vào các FTA, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, các nước nhập khẩu sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ... nhằm vào hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, cùng với việc tận dụng có hiệu quả cơ hội từ các FTA mang lại, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Ninh Bình cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại để có thể chủ động xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trở thành đối tượng bị nước ngoài điều tra. Đồng thời sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại một cách phù hợp với quy định pháp luật để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu.
Cũng tại Hội nghị, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia tổ chức thương mại thế giới (WTO), đàm phán, thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do. Những hoạt động tham gia các hiệp định đã tạo ra những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, khi hàng xuất khẩu có được những kết quả tích cực thì chúng ta đang gia tăng sức ép cạnh tranh đối với các hàng hoá sản xuất tại thị trường nhập khẩu. Các đối thủ tại thị trường nhập khẩu sẽ vận dụng những công cụ, chính sách thương mại của các hiệp định để phòng vệ thương mại.
Khi các công cụ phòng vệ thương mại được áp dụng, có nghĩa là hàng xuất khẩu chúng ta đang hưởng mức thuế thấp ngay lập tức mức thuế bị đẩy lên cao từ 200 – 300%. Với mức thuế cao đó doanh nghiệp chúng ta không thể duy trì nhập khẩu tại thị trường nước đó mà chỉ đàm phán lại thị trường nước khác và rất khó khăn, thị trường đứt đoạn, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Hội nghị đã được nghe các chuyên gia Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương giới thiệu tổng quan về quy định và xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của thế giới và Việt Nam; Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại; các nội dung cần lưu ý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới. Công tác ứng phó với các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; những nội dung doanh nghiệp cần lưu ý để đảm bảo lợi ích trong vụ kiện PVTM. Cơ hội xuất khẩu và thực trạng áp dụng biện pháp phòng về thương mại của thị trường EU trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA đối với một số mặt hàng thế mạnh của tỉnh Ninh Bình như dệt may, giày dép, nông sản chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện điện tử, xi măng...Các biện pháp phòng ngừa rủi ro và tranh chấp thương mại khi xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Châu Âu.
Đặc biệt tại Hội nghị, các chuyên gia và đại diện lãnh đạo Cục Phòng vệ Thương mại đã dành thời gian trao đổi, giải đáp, làm rõ một số thắc mắc cùa doanh nghiệp về PVTM và các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong các vụ kiện tranh chấp thương mại quốc tế…
Chuyên gia Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương giải đáp thắc mắc
cho doanh nghiệp tham dự Hội nghị
Qua hội nghị đã góp phần giúp các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước nắm được thông tin thiết thực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do để chủ động vận dụng, có định hướng, kế hoạch trong công tác quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp./.
Duy Phương - phòng Xuất nhập khẩu