Quang cảnh Hội nghị. Ảnh Chu Minh Tuấn.
Từ ngày 14/01/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Hiệp định CPTPP tạo ra một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. Việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Ca-na-đa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của nước ta như nông thủy sản, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mức độ cam kết như vậy, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa nắm bắt đầy đủ về các cam kết của Hiệp định CPTPP, nhất là các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa để hưởng thuế quan ưu đãi, bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu, đầu tư vào thị trường các nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo viên của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương phổ biến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định thực hiện quy tắc xuất xứ trong CPTPP, một số điểm mới mà các doanh nghiệp cần lưu ý. Hướng dẫn thực hành khai báo C/O mẫu CPTPP của Việt Nam và giới thiệu việc thực hiện phân luồng trong cấp C/O ưu đãi qua hệ thống eCoSys trên mạng Internet theo quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-BCT ngày 29/6/2018 của Bộ Công Thương…
Nhiều thắc mắc của doanh nghiệp được giáp đáp ngay tại Hội nghị. Ảnh Chu Minh Tuấn.
Hội nghị cũng giành thời gian để các đồng chí chuyên gia của Bộ Công Thương những người trực tiếp đi đàm phán các FTA, trong đó có Hiệp định CPTPP giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến xác định tiêu chí “3 công đoạn” hàng dệt may; lộ trình giảm thuế của sản phẩm giày dép, linh kiện điện tử; quy trình cấp và tiêu chí của C/O form CPTPP đối với sản phẩm túi nhựa, đồ chơi trẻ em, tai nghe điện thoại sang thị trường Canada… Đây là những rất thông tin bổ ích cho các doanh nghiệp, giúp các đơn vị tận dụng có hiệu quả những ưu đãi thuế quan để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Đỗ Tân - Trưởng phòng QLXNK