Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Chu Minh Tuấn
Ngày 08/6/2020 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 102/2020/QH14 về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Hiệp định dự kiến sẽ chính thức đi vào thực thi từ 1/8/2020, đây là một FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của nền kinh tế theo hướng tích cực, giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (07 năm), cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông sản,... đây cũng là các mặt hàng thế mạnh của tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, điều kiện quan trọng để hưởng mức thuế quan ưu đãi đó chính là hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho EVFTA, và chỉ khi đáp ứng quy tắc xuất xứ thì hàng hóa đó mới được cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O) vốn là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan nước nhập khẩu xác định hàng hóa của các doanh nghiệp có đủ điều kiện để hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng của EVFTA hay không. Để giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn nắm được các nội dung cơ bản về EVFTA và quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA nhằm tận dụng có hiệu quả lộ trình cắt giảm thuế quan thông, tại hội nghị, các báo cáo viên của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã giới thiệu giới thiệu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và Thông tư số 11/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA; đồng thời làm rõ các điểm khác và mới về quy tắc xuất xứ EVFTA với các cam kết khác (bao gồm cả GSP) đối với mặt hàng thế mạnh của tỉnh như da giày, dệt may, nông sản và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hành khai báo C/O form EUR1.
Đồng chí Vũ Hùng Thịnh - Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp tham dự Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Duy Phương
Đặc biệt tại hội nghị, các chuyên gia trực tiếp đi đàm phán các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước của Bộ Công Thương đã giành thời gian trao đổi, giải đáp một số thắc mắc của các doanh nghiệp liên quan đến việc C/O cấp sau đối với hàng hóa trong quá trình vận chuyển hoặc lưu kho vào ngày EVFTA có hiệu lực; Người bán hàng tại nước thứ ba không phải là thành viên EVFTA; Phân biệt quy định về lãnh thổ theo EVFTA; Cộng gộp vải có xuất xứ Hàn Quốc; Quy định tạm dừng ưu đãi và nhiều nội dung quan trọng khác...
Tin: Đỗ Ngọc Tân - P.QLXNK