Quang cảnh Hội nghị
Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình do đồng chí Bùi Quang Hưng - Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn cùng dự có các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên phòng Công nghiệp, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp.
Tại hội nghị đã nghe Cục trưởng Cục Công Thương địa phương báo cáo về công tác khuyến công trong 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Trong giai đoạn 2013-2022, các hoạt động khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã được triển khai rộng khắp trên các địa bàn từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo với đa dạng các nội dung hoạt động khuyến công được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, định hướng nội dung mục tiêu được quy định tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 và Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020. Nhiều mô hình tiêu biểu, điển hình và cách làm sáng tạo đã được áp dụng triển khai góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách đến với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức, hiệp hội, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã phát biểu, tham luận làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các nội dung cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ để phù hợp với tình hình mới; đặc biệt đề xuất các nhiệm vụ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước các cấp với các tổ chức, hiệp hội và các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chính sách khuyến công trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phân tích, đánh giá những kết quả nổi bật của công tác khuyến công trong 10 năm qua đã động viên, huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN và các dịch vụ khuyến công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn bền vững, đồng thời giúp cho các cơ sở SXCN nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia có hiệu quả vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, đơn vị liên quan để báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình mới.
Tin và ảnh: Trương Thị Xuân – Phòng Công nghiệp