Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Sáng ngày 02/7/2021, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về quản lý, phát triển cụm công nghiệp nhằm đánh giá hệ thống chính sách hiện hành, vai trò của cụm công nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có: Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Lãnh đạo Cục Công Thương địa phương và các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc Sở Công Thương; lãnh đạo các phòng, đơn vị có liên quan của văn phòng UBND tỉnh và Sở Công Thương; đại diện lãnh đạo UBND các huyện: Gia Viễn, Yên Khánh và đại diện một số chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Cao Sơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình


Theo báo cáo của Bộ Công Thương, theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 cả nước có 1.704 CCN với tổng diện tích 58.123 ha. Đến hết năm 2020, cả nước có 968 CCN với tổng diện tích 30.912 ha đã được thành lập, trong đó có 450 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng (chiếm 46,5%). Có  644 CCN với tổng diện tích 20.222 ha đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn đầu tư trên 115.200 tỷ đồng. Về hoạt động sản xuất, kinh doanh: Cả nước có 730 CCN với tổng diện tích 22.336 ha đã có dự án thứ cấp, chiếm 74,5% so với các CCN đã thành lập; thu hút 13.468 dự án thứ cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư 316.428 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy 63%; tạo việc làm cho trên 580.500 lao động; 141 CCN có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 16 cụm công nghiệp được thành lập, mở rộng với tổng diện tích 579,9046 ha, trong đó 14 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích thành lập là 509,9ha (đất công nghiệp có thể cho thuê là 399,4 ha), thu hút 232 dự án đầu tư, trong đó có 89 dự án của doanh nghiệp và 143 dự án do các hộ sản xuất, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 278,37 ha (đạt tỷ lệ lấp đầy 69,7%) với tổng số vốn đăng ký đầu tư 15.869,6 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu của các dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp đạt 8.576,8 tỷ đồng, tăng 20,9% so với năm 2019; nộp ngân sách đạt 139,7 tỷ đồng, tăng 72,9% so với năm 2019; kim ngạch xuất khẩu đạt 177.544,2 nghìn USD, tăng 14,1% so với năm 2019; giải quyết việc làm cho hơn 24.000 lao động.
Tại Hội nghị, đại biểu đại diện cho các tỉnh/thành phố trong cả nước đã trao đổi, thảo luận làm rõ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc; công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn; việc cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho các DN đầu tư hạ tầng, sản xuất trong CCN. Việc phát triển CCN đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở địa phương theo định hướng quy hoạch; đã có chuyển biến tích cực trong việc thu hút các DN/nhà đầu tư tiềm năng, lĩnh vực, ngành nghề tạo ra giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc chấp hành một số nội dung, quy định của Nghị định 68/2017/NĐ-CP và của pháp luật ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc, đầy đủ; tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các CCN nhìn chung còn chậm; tỷ lệ cụm công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung trên tổng số cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động thấp (mới đạt trên 19%), trong đó hầu hết các CCN được hình thành trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Chính phủ về quản lý cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ hạ tầng, trong đó chưa có Công trình xử lý nước thải tập trung); nhiều địa phương gặp khó khăn, lúng túng, đề xuất Bộ Công Thương hướng dẫn chuyển đổi mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN từ đơn vị sự nghiệp nhà nước (đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ hạ tầng kỹ thuật từ NSNN) sang chủ đầu tư là doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã tổng hợp 06 vấn đề theo ý kiến của các đại biểu và sẽ giải quyết thuộc thẩm quyền hoặc nghiên cứu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét, gồm: (i) Nghiên cứu hỗ trợ, ưu đãi thu hút đầu tư hạ tầng, thu hút dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp như ưu đãi đối với khu công nghiệp; (ii) Xem xét điều kiện về quy mô, tỷ lệ lấp đầy khi thành lập cụm công nghiệp; (iii) hướng dẫn chuyển đổi mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN từ đơn vị sự nghiệp nhà nước (đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ hạ tầng kỹ thuật từ NSNN) sang chủ đầu tư là doanh nghiệp; (iv) Xem xét báo cáo Chính phủ cho phép UBND tỉnh được quyết định chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích đất lúa trên 10 ha, đất rừng trên 20 ha; (v) Đơn giản hóa thủ tục trong thành lập, mở rộng, lập quy hoạch chi tiết, dự án hạ tầng,... thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; (vi) quy định rõ vai trò, trách nhiệm của ngành công thương địa phương trong phát triển công nghiệp - thương mại nói chung và phát triển cụm công nghiệp nói riêng.

                        Tin và ảnh: Lê Văn Hoan - Phòng Công nghiệp