Kế hoạch Cải cách hành chính của Sở Công Thương năm 2024

Xác định đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên Sở Công thương đã xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 trong đó tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như sau: 

1. Cải cách thể chế
- Tiếp tục đổi mới, đề cao trách nhiệm của đơn vị, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan và lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc; phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực Công Thương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, đảm bảo tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất; đảm bảo chất lượng và thời gian theo chương trình công tác năm và các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh.
- Chủ động rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL theo quy định; kịp thời phát hiện, xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ cho phù hợp với hệ thống pháp luật.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật hằng năm. Thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và số hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Cải cách thủ tục hành chính
- Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính hàng năm. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện việc rà soát các thủ tục hành chính được Bộ Công thương công bố thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các bước thực hiện, thời gian thực hiện và chuẩn hoá quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC.
- Thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền theo quy định; thông báo địa chỉ, số điện thoại, Website, địa chỉ Email chuyên dùng để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính.
- Duy trì và thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.  
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Thông tư số 01/2018/TT-VPCP, Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh.
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ làm việc của công chức, viên chức, lao động thuộc Sở nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của tổ chức và người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
3. Cải cách tổ chức bộ máy
- Thường xuyên rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở, các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc Sở theo quy định. 
- Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Quản lý và sử dụng hiệu quả biên chế công chức trong cơ quan, số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo ngành, lĩnh vực, gắn với kiểm tra việc thực hiện theo Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 30/12/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực đảm bảo thực hiện theo đúng Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.
4. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
- Tổ chức sắp xếp, bố trí công chức theo vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đúng quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức. Tiếp tục rà soát, phê duyệt đề án vị trí việc làm và thực hiện bố trí viên chức theo vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở vị trí, chức danh, yêu cầu nhiệm vụ và kết quả quy hoạch. 
- Thực hiện nghiêm quy định về số lượng, tiêu chuẩn đối với chức vụ lãnh đạo cấp Sở, cấp phòng; thực hiện các quy định về tiêu chẩn chức danh đối với cán bộ, công chức, viên chức; các quy định về sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
- Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt, triển khai nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức của công chức, viên chức trong việc thực thi công vụ. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án văn hóa công vụ theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 31/5/2019 về triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ. Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
5. Cải cách tài chính công
- Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ
- Thực hiện đúng, đủ, kịp thời chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, chế độ bảo hiểm xã hội... đối với công chức, viên chức và người lao động.
- Thực hiện theo đúng quy định cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước để triển khai các nhiệm vụ lĩnh vực công thương. 
- Thực hiện và chỉ đạo đơn vị trực thuộc thực hiện công khai dự toán ngân sách, tình hình sử dụng ngân sách hằng quý, 6 tháng, năm và quyết toán năm lên trang thông tin điện tử của đơn vị theo quy định hiện hành.
- Tiếp tục thực hiện cơ chế khoán chi kinh phí hành chính: khoán công tác phí, các loại văn phòng phẩm phục vụ chuyên môn.
6. Hiện đại hóa nền hành chính nhà nước
- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2024 đảm bảo tiến độ, hiệu quả, nâng cao hoạt động quản lý và điều hành của Sở. 
- Tiếp tục thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê của đơn vị được tích hợp, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.
- Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản VNPT iOffice trong hoạt động, đảm bảo 100% văn bản đi - đến được xử lý trên môi trường mạng. 
- 100% thủ tục hành chính được chuẩn hoá quy trình nội bộ, cập nhật, cấu hình quy trình điện tử và liên thông giải quyết hoàn toàn trên Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
- Phấn đấu 100% hồ sơ TTHC được giải quyết đúng và trước hạn, trong đó, số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến qua hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh www.dichvucong.ninhbinh.gov.vn đạt từ 85% trở lên. 
- Thường xuyên tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, đồng thời sử dụng dịch vụ bưu chính công ích khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính. 
- Duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng hoạt động của Trang thông tin điện tử của Sở, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin chuyên ngành và hoạt động của Sở; công khai thủ tục hành chính của Sở trên trang thông tin điện tử của Sở theo quy định. Phát huy tối đa việc sử dụng, ứng dụng các phần mềm chuyên ngành đang được sử dụng tại đơn vị: Dataenergy.vn; Ecosys.gov.vn; chemicaldata.gov.vn;...
- Thực hiện duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 tại cơ quan.
7. Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính
- Chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai Kế hoạch cải cách hành chính của Sở, đảm bảo phân công rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành cụ thể. Chỉ đạo hoàn thành 100% nhiệm vụ được UBND tỉnh giao trong Chương trình công tác năm. Thực hiện chế độ báo cáo CCHC định kỳ đảm bảo chất lượng và đúng thời hạn quy định.
- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính của các phòng đơn vị trực thuộc (30% các phòng, đơn vị trực thuộc).
- Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, công chức”, đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh về CCHC đến toàn thể công chức, viên chức của Sở. 
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các phòng chuyên môn, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; gắn việc thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính với công tác đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng.
- Tổ chức đánh giá, chấm điểm chỉ số cải cách của Sở trên cơ sở hướng dẫn của Sở Nội vụ, đảm bảo chính xác, trung thực. Trên cơ sở đó, xác định những việc đã làm tốt, những việc chưa hiệu quả để có phương hướng, biện pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính của Sở.
Trên cơ sở các nhiệm vụ đề ra, Lãnh đạo Sở đã sát sao chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc bám sát các nhiệm vụ được giao nghiêm túc triển khai thực hiện.

Trinh Trọng Dũng - Phó CVP Sở