Ký kết biên bản cam kết sẽ làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công tại Lễ phát động. Ảnh: Hoàng Thùy
Tham dự buổi Lễ phát động có ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch Hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch Thường trực VBA; đại diện Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương; bà Nguyễn Thị Minh Thu, tổng thư ký Diễn đàn uống có trách nhiệm Việt Nam; ông Đinh Hồng Thái - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình; ông Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình; đại diện lãnh đạo Sở Y tế; Cục Quản lý thị trường tỉnh; chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh; đại diện Lãnh đạo UBND, lãnh đạo Phòng Kinh tế/ Kinh tế và Hạ tầng các huyện/thành phố; đại diện Lãnh đạo UBND và các tổ chức đoàn thể xã Lai Thành, huyện Kim Sơn; đại diện các cơ quan truyền thông trung ương; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Thông tấn xã Việt Nam tại Ninh Bình, Báo Ninh Bình, Báo Nhân dân tại Ninh Bình và hơn 200 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Lễ phát động, đồng chí Ngô Minh Kim đã giới thiệu về làng nghề rượu Kim Sơn nói riêng, việc nấu rượu thủ công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung và những khó khăn trong công tác quản lý sản xuất rượu thủ công tại địa phương.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là đối với rượu thủ công, hàng năm, Sở Công Thương cũng đã thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên tuyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất kinh doanh rượu thông qua các Hội nghị tuyên truyền, tuyên truyền trên truyền hình, báo, đài trung ương và địa phương; website của Sở...Tuy nhiên, hiện nay số cơ sở sản xuất rượu thủ công được cấp giấy phép và việc thực hiện việc kê khai, đăng ký sản xuất rượu thủ công với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương vẫn còn tương đối ít. Vì vậy, thông qua buổi Lễ phát động, đồng chí Ngô Minh Kim hy vọng mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi hộ gia đình, cá nhân tham gia buổi lễ sẽ là một tuyên truyền viên lan tỏa thông điệp của Lễ phát động “Phòng, chống rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm” đến các cơ sở, hộ gia đình sản xuất rượu, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; giúp cho hoạt động sản xuất rượu thủ công ngày càng đi vào nề nếp, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và giúp cho thương hiệu rượu Kim Sơn ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch Hiệp Hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam đã giới thiệu “Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát. Diễn đàn uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) là tiểu ban của Hiệp hội được thành lập từ năm 2015 để thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)”. Bên cạnh đó, Ông cũng đã chỉ ra vấn đề quản lý rượu thủ công ở nước ta. Tại Việt Nam, nấu rượu và sử dụng rượu thủ công đã tồn tại cùng với nền văn minh lúa nước từ ngàn đời xưa. Nhà nước ta cũng đã ban hành những quy định pháp luật để quản lý đối với sản xuất rượu thủ công. Tuy nhiên thực tế tỷ lệ các hộ sản xuất rượu thủ công đăng ký với cơ quan quản lý và được cấp Giấy phép sản xuất chiểm một tỷ lệ rất thấp chỉ khoảng 15% theo báo cáo của Bộ Công Thương khi đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về sản xuất kinh doanh rượu. Mặt khác, việc quản lý hoạt động sản xuất, mua bán rượu thủ công cũng gặp phải rất nhiều vấn đề khó khăn, dẫn đến an toàn thực phẩm của loại sản phẩm này đáng lo ngại. Nhiều trường hợp ngộ độc đe dọa đến tính mạng do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ đã xảy ra, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và ảnh hưởng tới uy tín của những làng nghề, hộ, doanh nghiệp sản xuất rượu chân chính.
Trong phần cuối của chương trình, các đại biểu tham dự Lễ phát động còn được chứng kiến 01 cơ sở, hộ gia đình ký kết biên bản cam kết sẽ làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công với Phòng kinh tế - hạ tầng huyện Kim Sơn; DNTN Phú Quý ký hợp đồng nguyên tắc thu mua rượu thủ công của 05 hộ gia đình trên địa bàn giấy phép với các hộ gia đình sản xuất rượu trên địa bàn huyện Kim Sơn và đại diện 10 hộ gia đình đã tự nguyện lên đăng ký kê khai sản lượng sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh với UBND xã Lai Thành./.
Lễ phát động Chiến dịch tự nguyện đăng ký và làm thủ tục cấp phép sản xuất rượu thủ công do các đơn vị thực hiện sẽ triển khai nhiều hoạt động bao gồm chiến dịch vận động người dân chấp hành các quy định pháp luật có liên quan, kỳ vọng thúc đẩy tăng số hộ đăng ký sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, tăng số lượng giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu được cấp, góp phần hạn chế tác hại do rượu không rõ nguồn gốc gây ra, thực hiện vai trò trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngành.
Tin: Đoàn Đình Luân - Phòng QLCN