Một số nội dung cơ bản của Luật tố cáo năm 2018

Ngày 12/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV đã thông qua Luật Tố cáo số 25/2018/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, dưới đây là một số nội dung của Luật Tố cáo năm 2018:   1. Về bố cục của Luật Tố cáo năm 2018:   Luật Tố cáo năm 2018 gồm có 9 chương, 67 điều, cụ thể như sau:   - Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8). - Chương II. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, gồm 3 điều (từ Điều 9 đến Điều 11). - Chương III. Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, gồm 3 mục, 29 điều (từ Điều 12 đến Điều 40). - Chương IV. Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, gồm 3 điều (từ Điều 41 đến Điều 43). - Chương V. Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, gồm 3 điều (từ Điều 44 đến Điều 46). - Chương VI. Bảo vệ người tố cáo, gồm 3 mục, 12 điều (từ Điều 47 đến Điều 58). - Chương VII. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo, gồm 3 điều (từ Điều 59 đến Điều 61). - Chương VIII. Khen thưởng và xử lý vi phạm, gồm 4 điều (từ Điều 62 đến Điều 65). - Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 66, Điều 67).   2. Một số nội dung mới của Luật Tố cáo năm 2018:   - Về tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo:   Đây là bước quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo; do đó, Luật đã quy định cụ thể việc tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo bảo đảm chặt chẽ. Luật cũng quy định trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo, xử lý tố cáo có dấu hiệu của tội phạm (Điều 23 đến Điều 27). Trong đó, có một số điểm mới như:   + Đối với đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi: Khoản 3 Điều 24 quy định: trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan tổ chức, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý.   + Đối với tố cáo nặc danh, mạo danh: Điều 25 quy định: khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định của Luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật Tố cáo. Tuy nhiên, trường hợp thông tin tố cáo nói trên lại có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.    - Về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo:   Nếu như Luật Tố cáo năm 2011 quy định trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo bắt đầu từ khâu tiếp nhận tố cáo thì Luật Tố cáo năm 2018 quy định trình tự, thủ tục này bắt đầu từ khâu thụ lý tố cáo; đây cũng là thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết tố cáo. Theo đó, tại Điều 28 Luật Tố cáo năm 2018 quy định trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại chỉ còn 04 bước thay vì 05 bước như quy định của Luật cũ, cụ thể như sau: thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo (bỏ bước công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo của Luật Tố cáo năm 2011).   - Về thời hạn giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo năm 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. (Luật Tố cáo năm 2011 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo).   - Bổ sung quy định về rút tố cáo (Điều 33): Đây là nội dung mới được đưa vào Luật Tố cáo năm 2018, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về nội dung này. Theo đó, Điều 33 quy định rõ: người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.    Trường hợp người rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.   - Bổ sung quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo (Điều 34). Trước đây, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về điều này, trong khi đó, Luật Tố cáo năm 2018 cho phép người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại.    Ngoài ra, Luật cũng quy định việc đình chỉ giải quyết tố cáo được thực hiện khi: người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 33 (Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn được giải quyết); người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.   - Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo:   Tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác giải quyết tố cáo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, tăng cường trật tự, kỷ cương pháp luật. Do vậy, Luật Tố cáo năm 2018 đã bổ sung Chương V về trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo (Điều 44), trách nhiệm của người bị tố cáo (Điều 45), trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 46)./. Chi tiết Luật Tố cáo 2018 xem tại đây.  
Các bài viết đã đăng

Kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra năm 2025 của Sở Công Thương Ninh Bình

Thông báo Lịch tiếp công dân định kỳ của Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình năm 2025

Kết quả thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động điện lực tại Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình

Ban hành Thông tư Quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương

Công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình

Công bố danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực dầu khí, lưu thông hàng hóa trong nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình

Công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực điện lực thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình

Công bố Danh mục thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực xúc tiến thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình

Công bố TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Công Thương

Công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình