Ngành Công thương góp phần thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Sở Công thương đã có nhiều giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, góp phần hỗ trợ, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết bám sát, cụ thể hóa những nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết, xác định những yêu cầu, giải pháp cụ thể liên quan đến từng ngành, lĩnh vực quản lý.

 

Để làm cơ sở triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công thương đã rà soát các thủ tục hành chính do Sở giải quyết có liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai, minh bạch trên trang Web của Sở về thủ tục hành chính và niêm yết công khai tại trụ sở của Sở; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”; thường xuyên cung cấp, phổ biến thông tin và hướng dẫn cho các doanh nghiệp trên địa bàn về thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế (ASEAN, WTO, APEC, ASEM…) và các hiệp định thương mại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” Việt Nam đã tham gia ký kết, đã hoặc sắp có hiệu lực để góp phần nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư.

Đặc biệt, ngành Công thương đã thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển ngành. Tiếp tục thực hiện việc quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 KV đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình và dự thảo Quy chế quản lý Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.

Việc quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn. 

Năm qua, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh một số CCN cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào CCN. Chỉ tính riêng năm 2018, đã thu hút 4 chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Khánh Hải I, CCN Khánh Hải II, CCN Gia Lập, CCN Văn Phong và thu hút thêm 10 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký 1.909,1 tỷ đồng, diện tích đã cho thuê 26,69ha. 

Đến nay, các CCN đã thu hút 170 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 11.056,5 tỷ đồng, tổng số lượng lao động đăng ký trong các dự án là 44.600 lao động. Doanh thu của các dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN năm 2018 đạt 5.360 tỷ đồng. Nộp ngân sách năm 2018 ước đạt 85 tỷ đồng

Cùng với việc thực hiện các quy hoạch ngành, ngành Công thương cũng triển khai hỗ trợ 31 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu là các doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xuất khẩu... nâng cao năng lực sản xuất, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ với tổng kinh phí hỗ trợ là 2,3 tỷ đồng.

Trong đó, chương trình Khuyến công địa phương: hỗ trợ 14 doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,55 tỷ đồng. Chương trình Xúc tiến thương mại địa phương: hỗ trợ 17 doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; khảo sát, tìm kiếm thị trường nước ngoài với tổng kinh phí hỗ trợ là 780 triệu đồng.

Ngoài ra, ngành Công thương cũng hỗ trợ doanh nghiệp thông tin tuyên truyền, giới thiệu năng lực sản xuất, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp. Sở Công thương đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch xuất khẩu và kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020 để quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước.

Sở Công thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu xây dựng cuốn cẩm nang về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm phổ biến những thông tin cơ bản về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng có thế mạnh của Ninh Bình, qua đó tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng biểu thuế quan ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, cũng như các phương thức lựa chọn xin C/O để hưởng ưu đãi thuế quan cao nhất, góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới Sở Công Thương sẽ thường xuyên thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo và có theo dõi, kiểm tra, giám sát tổ chức triển khai thực hiện tại các phòng, đơn vị trực thuộc Sở nhằm kịp thời giải quyết các vướng mắc của các doanh nghiệp trong ngành, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết đề ra góp phần hỗ trợ xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình hội nhập.

 

                                                                                                                                                     Theo Báo Ninh Bình