Nghị định 31/2019/NĐ-CP gồm 04 chương, 25 điều, cụ thể như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định 31 quy định chi tiết các chương, điều, khoản sau đây của Luật Tố cáo: (1) Điều 30 về thời hạn giải quyết tố cáo; (2) Điều 33 về rút tố cáo; (3) Khoản 5 Điều 38 về giải quyết tố cáo đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết; (4) Điều 40 về công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; (5) Chương VI về bảo vệ người tố cáo.
Các biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo bao gồm: Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; Xử lý thông tin có nội dung tố cáo và tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến; Xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm.
2. Về đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cá nhân tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo.
3. Về thời hạn giải quyết tố cáo
Theo Nghị định số 31/2019/NĐ-CP, thời hạn giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Tố cáo. Việc gia hạn giải quyết tố cáo được áp dụng đối với vụ việc phức tạp và đặc biệt phức tạp theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 30 Luật Tố cáo.
Việc gia hạn giải quyết tố cáo phải được thực hiện bằng quyết định của người giải quyết tố cáo, được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Khoản 4 Điều 30 Luật Tố cáo.
4. Rút tố cáo
Đối với trường hợp rút tố cáo, người tố cáo có quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản, văn bản rút tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ và tên, địa chỉ của người rút tố cáo; nội dung tố cáo được rút, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người rút tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trực tiếp rút tố cáo thì người tiếp nhận lập biên bản ghi lại việc rút tố cáo và người rút tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản. Văn bản rút tố cáo được thực hiện theo mẫu kèm theo Nghị định này.
Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người rút tố cáo thì từng người rút tố cáo thực hiện việc rút tố cáo theo quy định nói trên. Trường hợp tất cả những người tố cáo rút tố cáo thì người đại diện thực hiện việc rút tố cáo bằng văn bản hoặc người tiếp nhận lập biên bản ghi lại việc rút tố cáo có chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của những người tố cáo hoặc của người đại diện.
Nghị định số 31/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Tố cáo. Người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo theo quy định của pháp luật; xử lý người có hành vi đe dọa, mua chuộc người tố cáo hoặc người lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo theo quy định của pháp luật.
Đây là nội dung mới, quan trọng của Nghị định số 31/2019/NĐ-CP, phù hợp với thực tiễn phức tạp trong giải quyết tố cáo, kịp thời bảo vệ người tố cáo hoặc người bị tố cáo và tránh bỏ lọt tội phạm. Điều này cũng đòi hỏi người giải quyết tố cáo phải am hiểu pháp luật, kịp thời nắm bắt thông tin và có chủ trương chỉ đạo giải quyết tố cáo một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn.
5. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cấp dưới trong trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết
Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định rõ: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải giải quyết tố cáo khi có căn cứ xác định việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện có dấu hiệu không khách quan trong việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức cấp dưới với các quy định cụ thể.
6. Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm tố cáo:
Theo quy định tại Điều 6, Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định: Kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải được công khai, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước và thông tin về người tố cáo.
Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức sau:
- Công bố tại cuộc họp ở cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác hoặc cơ quan tổ chức của người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan, tổ chức của người được giao xác minh;
- Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;
- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của cơ quan đã giải quyết tố cáo, cơ quan người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;
- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
7. Bảo vệ người tố cáo
Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định rõ về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan được đề nghị hoặc yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ.
8. Biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo
Chương III Nghị định số 31/2019/NĐ-CP gồm 15 điều hướng dẫn cụ thể về biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo năm 2018. Đây được cho là nội dung quan trọng nhất của Nghị định 31/2019/NĐ-CP.
- Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo: Từ Điều 9 đến Điều 19, quy định chi tiết về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo.
- Xử lý thông tin có nội dung tố cáo và tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến: Tại Điều 20, Mục 2, Chương III, đây cũng là một trong những nội dung mới của Luật Tố cáo năm 2018 mà Nghị định 31/2019/NĐ-CP hướng dẫn, thể hiện rõ vai trò của các cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi nhận được thông tin do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến.
- Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm (từ điều 21 đến điều 23):
Điều 21 quy định nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo.
Điều 22 quy định về các hình thức kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, gồm kỷ luật, cảnh cáo, cách chức, trong đó: Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo nếu cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội; hoặc cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc, bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội; hoặc không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.
Về xử lý kỷ luật đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức, Điều 23, Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định rõ: Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.
Đỗ Thị Bắc - Thanh tra Sở