Tham dự Hội nghị có Ông Ngô Minh Kim - Phó Giám đốc Sở Công Thương và 200 đại biểu là cán bộ, công chức phòng chuyên môn Sở Công Thương; đại diện Phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, ban quản lý, tổ quản lý chợ và tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Ngô Minh Kim - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh trên địa bàn tỉnh hiện có 110 chợ (bao gồm 02 chợ hạng II và 108 chợ hạng III), đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong tỉnh. Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh cũng đã đạt được một số thành công nhất định. Song song với công tác quy hoạch mạng lưới chợ; công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, công tác phòng cháy chữa cháy, công tác xây dựng chợ văn minh thương mại đối với mạng lưới chợ cũng được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định: Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy tại chợ chưa đảm bảo, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu; công tác quản lý chợ còn nhiều hạn chế và yếu kém…Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ cần có sự tham gia, phối hợp của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân quản lý chợ và các tiểu thương kinh doanh tại chợ.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đinh Thị Thúy
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe Bà Vũ Hồng Hạnh - Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ An toàn thực phẩm, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm phân tích các mối nguy ô nhiễm thực phẩm, cách bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong phòng, chống dịch Covid 19.
Tiếp sau đó, Ông Nguyễn Khải Hoàn - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương giới thiệu đến các đại biểu dự Hội nghị những quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của ngành công thương; nội dung Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017- Chợ kinh doanh thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 2166/QĐ-BKHCN ngày 15/8/2017 của Bộ Khoa học Công nghệ; quy định về ghi nhãn thực phẩm. Đặc biệt, báo cáo viên đã giới thiệu, hướng dẫn cho các đại biểu cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để phòng tránh trong giao dịch, mua sắm và tiêu dùng.
Cũng tại Hội nghị, báo cáo viên và các đại biểu đã trao đổi về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại chợ, những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, giúp cho các cán bộ, công chức phụ trách công tác an toàn thực phẩm và các tổ chức, cá nhân quản lý, kinh doanh chợ, các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; từ đó góp phần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ.
Tin và ảnh: Đinh Thị Thúy - Phòng Quản lý thương mại