Tại hội nghị này, các đại biểu đã được nghe Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Chương trình tăng cường năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công tại Ninh Bình, Báo cáo kết quả khảo sát nhận thực về các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công và Uống có trách nhiệm. Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận về các nội dung được nêu trong các báo cáo, nhất là các kiến nghị đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công và nêu cao ý thức Uống có trách nhiệm của người sử dụng.
Quang cảnh Hội nghị.
Ngoài những hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức, tập huấn, bước đầu nâng cao ý thức của người dân, khảo sát tại tất cả 8 huyện/ thành phố trong tỉnh Ninh Bình đã được thực hiện, Sở đã vận động được gần 4 ngàn hộ tự kê khai việc sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, so với con số 2,8 ngàn hộ trước đó. Sở cũng ghi nhận gần 500 hộ có quy mô sản xuất kinh doanh, và sẽ có phương án vận động, hướng dẫn để đưa các hộ này vào diện quản lý theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời nắm bắt được thực tế về khoảng trống trong ý thức của người dân đối với vấn đề tuân thủ pháp luật và ý thức phòng chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn.
Đây là kết quả bước đầu nhằm hỗ trợ cơ quản quản lý nhà nước ở địa phương; nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất rượu thủ công về vấn đề tác hại của rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng, bao gồm ý thức trong các khâu sản xuất, lưu thông và sử dụng đồ uống có cồn, lợi ích lâu dài từ việc tuân thủ pháp luật dưới góc độ kinh doanh và xã hội; góp phần hạn chế tác hại do rượu không rõ nguồn gốc gây ra, thực hiện vai trò trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngành.
Với thực tế còn nhiều khó khăn, hội nghị đã thảo luận và nhất trí triển khai nhiều biện pháp bao gồm: (i) Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật và ý thức uống có trách nhiệm, nhằm phòng chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn với tư cách là người sản xuất, cũng như người sử dụng sản phẩm; (ii) Xác định rõ đối tượng thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và có kế hoạch vận động, hướng dẫn thực hiện đăng ký, kê khai làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công; (iii) Kiến nghị với cơ quan cấp trên những bất cập trong chính sách, tổ chức hội nghị phổ biến kinh nghiệm với các địa phương khác,...
Tin và ảnh: Đoàn Đình Luân - phòng QLCN