Quang cảnh Khai mạc cuộc thi
Phát biểu tại khai mạc cuộc thi, Ông Bùi Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh, Ninh Bình là tỉnh có nhiều nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, trong đó có nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống từ lâu đời và Xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư là cái nôi, đại diện cho nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống của tỉnh Ninh Bình. Đến nay, nghề chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung và đặc biệt là nghề chế tác đá mỹ nghệ tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư nói riêng tiếp tục được bảo tồn và ngày càng phát triển, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khoảng trên 2.000 hộ gia đình với khoảng trên 800 tổ hợp và trên 100 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ; riêng trên xã Ninh Vân có khoảng hơn 1.600 gia đình với 600 tổ hợp và hơn 80 doanh nghiệp làm nghề chế tác đá, thu hút hơn 80% lao động của xã; nhiều cá nhân thợ giỏi đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh và đặc biệt trên địa bàn tỉnh có 01 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nghề chế tác đá mỹ nghệ (Ông Phạm Ngọc Hoàn, thôn Xuân Thành, xã Ninh Vân,huyện Hoa Lư). Cùng với sự phát triển của ghề, sản phẩm đá mỹ nghệ của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là sản phẩm đá mỹ nghệ của các làng nghề xã Ninh Vân ngày càng đa dạng, phong phu, có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao và đã có mặt trên khắp cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh việc phát huy thế mạnh các sản phẩm đá mỹ nghệ truyền thống phục vụ nhu cầu tâm linh, đồ thờ cúng tại các đình, chùa,các công trình cụm tượng đài, công trình kiến trúc tôn giáo,... trong những năm gần đây, nghề chế tác đá tại Ninh Bình đã và đang mở rộng, phát triển sản xuất các sản phẩm đá mỹ nghệ có giá trị thẩm mỹ cao với kích thước phù hợp để làm hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước.
Tiếp đó, đại diện Ban tổ chức cuộc thi đã quán triệt thể lệ Cuộc thi Bàn tay vàng chế tác đá mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2022 tới các thí sinh dự thi.
Sau phần Lễ khai mạc, Ban tổ chức đã mời đại diện Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân và đại diện thí sinh lên kiểm tra và mở niêm phong đề thi. Các thí sinh sẽ làm bài thi trong 2 ngày 10-11/8 (16 tiếng, tương đương 960 phút). Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ chấm điểm và lựa chọn ra các thí sinh có kết quả thi cao để trao giải; trong đó có: 01 giải Bàn tay Vàng, 02 giải Bàn tay Bạc, 03 giải Bàn tay Đồng và một số giải khuyến khích.
Quang cảnh các thí sinh làm bài thi
Việc tổ chức cuộc thi nhằm phát động phong trào thi đua trong hoạt động nghề đá mỹ nghệ, động viên khích lệ các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy tình yêu nghề nhằm giữ gìn và phát triển nghề đá mỹ nghệ truyền thống của địa phương; tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động nghề đá mỹ nghệ giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật chạm khắc đá để tạo ra các sản phẩm đá mỹ nghệ có giá trị thẩm mỹ cao đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bài và ảnh: Đặng Minh Hiển - Phòng CN