Thực hiện văn bản số 465/UBND-VP5 ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Từ ngày 21/7/2021 đến ngày 23 /7/2021, Sở Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra, đánh giá việc triển khai, thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh do đồng chí Bùi Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn cùng với phòng chuyên môn của Sở, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty TNHH Đổi Mới, Công ty TNHh MTV Quang Ninh Ninh Bình tại CCN Đồng Hướng, Kim Sơn; Công ty TNHH may mặc Excel, Công ty CP thương binh 27/7 Ninh Bình tại CNN Yên Ninh, huyện Yên Khánh; Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh tại CCN Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh; Công ty Cổ phần Sejung, Công ty TNHH Samse Vina, Công ty TNHH Vinahitek tại CCN Cầu Yên, Công ty cổ phần may xuất khẩu Ninh Bình 2 tại CCN Ninh Phong, thành phố Ninh Bình; Công ty TNHH Goryo Việt Nam, Công ty TNHH GTWILL Việt Nam tại CCN Gia Vân, huyện Gia Viễn.
Đoàn kiểm tra của Sở Công Thương kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH Goryo Việt Nam, CCN Gia Vân
Theo báo cáo của đại diện các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 đến sức khỏe người lao động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh do vậy các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh của Trung ương và của tỉnh, đã triển khai thực hiện phun khử trùng xung quang đơn vị, thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn tại cổng ra vào, yêu cầu người lao động đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách trong suốt quá trình sản xuất; thực hiện chia ca ăn, bố trí vách ngăn, giữ khoảng cách trong phòng ăn; thường xuyên yêu cầu người lao động thực hiện khai báo y tế, tự cách ly tại nhà nếu đi về từ vùng có dịch. Một số đơn vị đã chủ động xây dựng phương án 3 tại chỗ “Sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ” nếu xảy ra dịch bệnh để không gián đoạn trong sản xuất. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn như đơn hàng giảm, hàng tồn kho nhiều, nguồn nguyên liệu giảm do phụ thuộc vào nhập khẩu do đó dẫn đến việc sản xuất giảm sút, khó khăn trong vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm,... Một số quy định như các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc định kỳ 10 ngày/ lần và tự chi trả kinh phí, các lao động tỉnh khác muốn vào tỉnh làm việc phải có Giấy xét nghiệm âm tính với Sars-cov-2 trong 72 giờ hoặc giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19,.. gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mong muốn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và cập nhật thường xuyên văn bản mới trong phòng, chống dịch bệnh từ các các cơ quan chuyên môn của tỉnh để đơn vị có phương án đảm bảo an toàn tốt nhất trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn được sớm tiêm vắc xin ngừa Covid-19, có những hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, địa phương để hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn.
Qua nghe báo cáo của các đơn vị, đồng chí Bùi Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 của doanh nghiệp và nhấn mạnh là nhiệm vụ được Sở đặc biệt quan tâm, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp thường xuyên thực hiện các biện pháp để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 gây ra và Sở sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Để việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tốt hơn nữa, đồng chí Bùi Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp không được chủ quan, phải tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong các doanh nghiệp. Mỗi đơn vị sản xuất phải xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19; thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ an toàn covid-19; triển khai cập nhật đánh giá mức độ an toàn trên ứng dụng Bản đồ chung sống an toàn với covid-19; tăng cường tuyên truyền cho cán bộ công nhân viên thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch, hạn chế tiếp xúc, bộ phận nào làm việc chỉ tiếp xúc với bộ phận đó để việc phòng dịch được hiệu quả cao. Yêu cầu tất cả người lao động với tinh thần vì sức khỏe của mình và cộng đồng, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, khai báo y tế... chung tay cùng doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội thực hiện phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất.
Tin và ảnh :Bùi Hoàng Hải – Phòng Công nghiệp