Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Hoàng Trung Kiên - Giám đốc Sở Công Thương trao Danh hiệu Nghệ nhân tỉnh Ninh Bình và tặng hoa cho các nghệ nhân. Ảnh: Bùi Hoàng Hải
Triển khai thực hiện Đề án khuyến công địa phương “Tổ chức xét duyệt, công nhận nghệ nhân cấp tỉnh năm 2019”, Sở Công Thương là cơ quan Thường trực Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành thực hiện quy trình xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân cấp tỉnh theo đúng quy định tại Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 08/01/2013 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND ngày 06/7/2016 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND. Ngày 25/12/2019, UBND tỉnh có quyết định số 589/QĐ-UBND phong tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình lần thứ 6 cho 12 nghệ nhân, tiền thưởng cho mỗi nghệ nhân cấp tỉnh là 4.470.000 đồng (bằng 3 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm công nhận danh hiệu).
Các cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình gồm:
1. Ông Phạm Văn Cẩn, sinh năm 1938, nghệ nhân nghề chế tác gỗ mỹ nghệ, thường trú tại phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình. Có thâm niên 64 năm trong nghề, đã trực tiếp và tham gia thiết kế, tu bổ, tôn tạo các công trình nhà gỗ theo kiến trúc truyền thống có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế cao trong và ngoài tỉnh (công trình Nhà thờ Quận công Phạm Đức Thành tại phố Trại Lộc, phường Nam Bình được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2007; đền làng Phúc Lộc, phường Ninh Phong được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2013), …
2. Ông Phạm Văn Huy, sinh năm 1942, nghệ nhân nghề chế tác gỗ mỹ nghệ, thường trú tại phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình. Có thâm niên 50 năm trong nghề, đã trực tiếp và tham gia thiết kế, tu bổ, tôn tạo các công trình nhà gỗ theo kiến trúc truyền thống có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế cao trong và ngoài tỉnh (công trình nhà thờ tổ họ Phạm Giáp tại phố Trại Lộc, phường Ninh Phong được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2015), …
3. Ông Vũ Văn Thắng, sinh năm 1947, nghệ nhân nghề chế tác gỗ mỹ nghệ, thường trú tại phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình. Có thâm niên 58 năm trong nghề, đã trực tiếp và tham gia thiết kế, tu bổ, tôn tạo các công trình nhà gỗ theo kiến trúc truyền thống có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế cao trong và ngoài tỉnh (công trình nhà thờ Vũ Văn Thiện, phố Phúc Lộc, phường Ninh Phong được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2015), …
4. Ông Vũ Văn Hưởng, sinh năm 1972, nghệ nhân nghề chế tác gỗ mỹ nghệ, thường trú tại phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình. Có thâm niên 34 năm trong nghề, đã trực tiếp và tham gia thiết kế, tu bổ, tôn tạo các công trình nhà gỗ theo kiến trúc truyền thống có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế cao trong và ngoài tỉnh (công trình Đền làng Phúc Lộc, phường Ninh Phong được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2013; trùng tu nhà thờ Vũ Văn Thiện, phố Phúc Lộc, phường Ninh Phong, được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2015), …
5. Ông Nguyễn Đình Giang, sinh năm 1986, nghệ nhân nghề chế tác đá mỹ nghệ, thường trú tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Có thâm niên 18 năm trong nghề; trực tiếp thiết kế, chế tác được nhiều sản phẩm, công trình có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế cao như: tham gia chế tác và thi công Tháp đá tại chùa Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh (công trình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia), tham gia chế tác và thi công 05 Tháp đá và vườn Lâm tỳ ni tại chùa Nhị Châu, Thường Tín, Hà Nội (công trình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố), …
6. Ông Đỗ Văn Cương, sinh năm 1982, nghệ nhân nghề chế tác đá mỹ nghệ, thường trú tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Có thâm niên 18 năm trong nghề; trực tiếp thiết kế, chế tác được nhiều sản phẩm, công trình có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế cao như: công trình Đền thờ Bác Hồ tại Khu di tích lịch sử K9 Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội (di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt), công trình phù điêu nghệ thuật về lịch sử phát triển của Ngành công an tại khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang (di tích lịch sử cấp quốc gia); Tượng đài chiến thắng Đak Pơ tại huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai (di tích lịch sử cấp tỉnh), Tượng đài Nữ tù nhân tại di tích Nhà tù Phú Tài, khu công nghiệp Phú Tài, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (di tích lịch sử cấp tỉnh), …
7. Ông Vũ Huy Thắng, sinh năm 1985, nghệ nhân nghề chế tác đá mỹ nghệ, thường trú tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Có thâm niên 15 năm trong nghề; trực tiếp thiết kế, chế tác được nhiều sản phẩm, công trình có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế cao như: Tượng đài Thanh niên xung phong tại khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; Cụm tượng đài 10 anh hùng thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; Tượng đài Công nông Xô Viết Trường Thi - Bến Thủy tại ngã ba Bến Thủy, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), … Sáng tác đĩa đá “Cờ lau tập trận” Đạt giải A Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2019.
8. Ông Nguyễn Văn Đại, sinh năm 1982, nghệ nhân nghề chế tác đá mỹ nghệ, thường trú tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Có thâm niên 19 năm trong nghề; trực tiếp thiết kế, chế tác được nhiều sản phẩm, công trình có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế cao như: tượng đài Lê Lợi tại thành phố Thanh Hóa; tượng đài Trần Hưng Đạo tại khu di tích lịch sử - văn hóa An Phụ, xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; tượng đài Cố tổng Bí thư Trường Chinh tại thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; đạt giải Khuyến khích Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2019, sản phẩm lục bình đá do ông chế tác được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu huyện Hoa Lư năm 2014.
9. Bà Đỗ Thị Quyên, sinh năm 1989, nghệ nhân nghề chế tác đá mỹ nghệ, thường trú tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Có thâm niên 15 năm trong nghề; trực tiếp thiết kế, chế tác được nhiều sản phẩm, công trình có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế cao như: đền Văn Giáp, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, Ninh Bình (di tích lịch sử cấp quốc gia), Nghĩa trang liệt sỹ xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, chùa Trầm ở Trương Mỹ, Hà Nội; chùa Bảo Hà ở Lào Cai, ….
10. Ông Dương Ngọc Lan, sinh năm 1985, nghệ nhân nghề chế tác đá mỹ nghệ, thường trú tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Có thâm niên 21 năm trong nghề; trực tiếp thiết kế, chế tác được nhiều sản phẩm, công trình có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế cao như: tượng đài Hồ Chí Minh tại Quảng trường Hồ Chí Minh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; Bộ tượng phật Tây Phương Tam Thánh và các bộ tượng khác tại công trình Trung tâm sinh hoạt Phật giáo thế giới tại Thành phố Fresno, California, Hoa Kỳ; khu tâm linh chùa Quan Âm tại xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long; khu tưởng niệm Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 Quảng Trị; tượng đài Hồ Chí Minh tại Trại giam số 5, tỉnh Nghệ An; chùa Ông Đình tại Khoái Châu, Hưng Yên; chùa Long Sơn tại Lạng Giang, Bắc Giang, …
11. Ông Trần Ngọc Cường, sinh năm 1963, nghệ nhân nghề chế tác đá mỹ nghệ, thường trú tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Có thâm niên 30 năm trong nghề; trực tiếp thiết kế, thi công nhiều công trình có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế cao như: công trình di tích lịch sử văn hóa Đình Mống tại xã Yên Quang, huyện Nho Quan cổng; nhà tưởng niệm đồng chí Tạ Uyên tại thôn Côi Trì, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô (công trình được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2013); cổng Cố đô Hoa Lư tại Thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư; cổng Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư; tu bổ, tôn tạo di tích đền Văn Giáp, xã Khánh An, huyện Yên Khánh (di tích lịch sử cấp quốc gia), …
12. Bà Trịnh Thị Chúc, sinh năm 1957, nghệ nhân nghề gốm mỹ nghệ, thường trú tại thôn Mỹ Lộc, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan. Có thâm niên 44 năm trong nghề, có kỹ năng tay nghề vững vàng, đã sáng tác, thiết kế và trực tiếp sản xuất nhiều mẫu sản phẩm đạt trình độ cao, có giá trị kinh tế đáp ứng yêu cầu thị trường: chum trơn, chum hoa văn tứ quý, các loại bình sành phong cảnh Ninh Bình, đạt giải C Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2019.
Các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ được phong tặng đã và đang trực tiếp tham gia đào tạo, truyền nghề cho nhiều lao động thông qua hình thức cầm tay chỉ việc vừa học vừa làm giúp bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của địa phương; học nghề và nâng cao tay nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống góp phần xây dựng nông thôn mới.
Sau 6 lần xét phong tặng, đến nay tỉnh Ninh Bình đã có 98 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình”, cụ thể: 38 nghệ nhân nghề đá mỹ nghệ, 13 nghệ nhân nghề cói mỹ nghệ, 14 nghệ nhân thêu ren, 17 nghệ nhân nghề gốm mỹ nghệ, 16 nghệ nhân nghề gốm mỹ nghệ, đặc biệt trong đó có 02 cá nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2016: ông Phạm Văn Vang, nghệ nhân ưu tú nghề gốm mỹ nghệ và ông Trần Đức Lăng, nghệ nhân ưu tú nghề gỗ mỹ nghệ.
Hoàng Thị Thùy- Phòng QLCN