Các sản phẩm công nghiệp 9 tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước là: giày dép các loại 25.822 nghìn đôi, tăng 8,3%; kính xây dựng 353,0 nghìn tấn, tăng 21,3%; thép xây dựng đạt 218,5 nghìn tấn, tăng 2,0%; điện sản xuất 593,7 triệu Kwh, tăng 0,6%;...Tuy nhiên một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút là: quần, áo các loại 61,2 triệu cái, giảm 16,3%; phân u rê đạt 243,7 nghìn tấn, giảm 17,5%; phân lân nung chảy đạt 78,8 nghìn tấn, giảm 20,6%; linh kiện điện tử 142,9 triệu sản phẩm, giảm 24,7%; modul camera 121,6 triệu cái, giảm 8,9%; xe ô tô 5-14 chỗ lắp ráp 47,7 nghìn chiếc, giảm 4,5%; xe ô tô chở hàng hóa 1.231 chiếc, giảm 51,6%...
Do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu như khó khăn do không có nguyên liệu sản xuất và gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2020 ước đạt gần 25.782,3 tỷ đồng, giảm 3,1% so với 9 tháng năm 2019.
Một số nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn đạt mức tăng trưởng cao như: lương thực, thực phẩm ước đạt trên 66.468,9 tỷ đồng, tăng 3,3%, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 2.443,5 tỷ đồng, tăng 3,2%; vật phẩm văn hóa, giáo dục 366,7 tỷ đồng, tăng 3,6%; gỗ và vật liệu xây dựng 3.580,9 tỷ đồng, tăng 6,8%... Tuy nhiên một số nhóm hàng có tổng mức giảm gồm: phương tiện đi lại (kể cả phụ tùng) ước đạt gần 11.386,7 tỷ đồng, giảm 18,5%; hàng may mặc 1.600,9 tỷ đồng, giảm 8,5%; xăng dầu các loại 1.834,3 tỷ đồng, giảm 15,5% (một phần do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh)...
Sản xuất đồ chơi trẻ em tại nhà máy Master Vina, CCN Đồng Hướng, Kim Sơn. Ảnh: Duy Phương
Hoạt động thương mại trên thế giới tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn trong những tháng đầu năm, xuất nhập khẩu của nhiều nước đều giảm sút mạnh xuống mức thấp nhất do nhu cầu thấp và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt trên 1.746 triệu USD, giảm 3,37% so với cùng kỳ năm trước, đạt 79,37% kế hoạch năm. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Xi măng và clinker ước đạt gần 277,4 triệu USD; quần áo các loại ước đạt 212,3 triệu USD; camera và linh kiện điện thoại ước đạt 748,9 triệu USD; giầy dép các loại 309,7 triệu USD; linh kiện điện tử 59,1 triệu USD;…Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 2.299 triệu USD giảm 1,2% so cùng kỳ năm trước, đạt 76,7% kế hoạch năm.
Những tháng cuối năm 2020, Sở Công thương Ninh Bình sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công Thương,Tỉnh ủy,UBND tỉnh, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách của Chính phủ trong điều hành kinh tế, nhất là những cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệpnhư: Rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp năm 2020, xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2021;tăng cường thu hút và phát huy hiệu quả các dự án sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp nhất là các dự án thuộc ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử. Khuyến khích thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ..tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển xuất khẩu, phát triển thương mại điện tử, Kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và uy tín của hàng xuất khẩu, khai thác tốt các thị trường truyền thống và các thị trường mới có nhiều tiềm năng nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu có lợi thế rõ ràng, có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao.
Bài viết: Lê Thu Hà - Phòng KH-TC-TH