Tôn vinh Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú năm 2020

Thực hiện Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ; Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2007/QĐ-BCT, ngày 05/3/2015 về Kế hoạch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Sau quá trình triển khai thực hiện, Bộ đã trình Chủ tịch nước ký Quyết định số 1884/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 04 cá nhân, Quyết định số 1885/QĐ-CTN về việc truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 01 cá nhân và Quyết định số 1886/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cho 72 cá nhân.

Tối 15/12, Bộ Công Thương tổ chức Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú năm 2020 cho 77 nghệ nhân có đóng góp to lớn trong việc giữ gìn phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Ảnh: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" cho các nghệ nhân

Trong lần phong tặng, truy tặng này, tỉnh Ninh Bình có 02 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”: ông Phạm Ngọc Hoàn, nghệ nhân nghề chế tác đá mỹ nghệ và bà Vũ Thị Hồng Yến, nghệ nhân nghề thêu ren.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Hoàn sinh ngày 06/06/1958, hiện đang cư trú tại thôn Xuân Thành, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, giám đốc Công ty TNHH mỹ thuật Hoàn Hảo. Ông có 47 năm làm nghề, nắm giữ nhiều bí quyết, kỹ năng chạm khắc những hoa văn tinh xảo trên đá, trạm trổ các nét hoa văn hoặc phục chế các công trình văn hóa di tích lịch sử. Ông đã đi các nơi học tập, nghiên cứu công cụ chế tác đá riêng cho chất liệu đá khối Ninh Vân và mang nghề tạc tượng cho các thợ đá tại Ninh Vân. Ông là người truyền bí quyết phương pháp làm tượng đài cho các anh em thợ đá ở Ninh Vân. Từ thực tiễn trong quá trình làm việc ông tổ chức tuyển nhiều lớp thanh niên vào làm việc ở Doanh nghiệp của mình, hướng dẫn và đào tạo họ trở thành thợ lành nghề qua hình thức cầm tay chỉ việc. Đến nay tổng số lao động ông đã tham gia đào tạo, truyền nghề khoảng trên 200 người. Trong tổng số 38 nghệ nhân chế tác đá mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình có 19 nghệ nhân được ông trực tiếp truyền nghề, dạy nghề, đến nay đều trưởng thành và lập nghiệp, tiếp tục truyền dạy nghề cho lớp trẻ để phát triển nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân. 
Ông đã thực hiện hàng trăm công trình tu bổ di tích cấp quốc gia như đền Hùng, đền Gióng, đền Ngọc Sơn, chùa Hương; xây dựng, tôn tạo các công trình văn hóa, di tích lịch sử tiêu biểu như: Tượng đài bộ đội ta kéo pháo tại Điện Biên, Tượng đài chiến thắng Mường Phăng Điện Biên, Cụm 10 tượng nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc Hà Tĩnh, Tượng đài Bác Hồ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Đảo Cô Tô Quảng Ninh, thành phố Vinh Nghệ An, .... Ngoài nước có tượng đài đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông tại Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, tượng đài Liên Minh chiến đấu Việt Nam - Campuchia đặt tại Hoàng cung thủ đô Phnom Penh, Campuchia, .... Với tri thức, kỹ năng thực hành nghề điêu luyện thể hiện qua các công trình tiêu biểu, ông đã được tặng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các địa phương có công trình tham gia. Với những đóng góp trong gìn giữ, phát triển nghề thủ công điêu khắc đá mỹ nghệ truyền thống của Nình Bình, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu vinh dự “Nghệ nhân Ưu tú”.

Ảnh: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn.


Một trong số ít gương mặt nữ trong lễ vinh danh đến từ Ninh Bình, bà Vũ Thị Hồng Yến, nghệ nhân Ưu tú nghề thêu ren. Bà sinh ngày 02/02/1965, cư trú tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, phó Giám đốc Công ty TNHH thêu Minh Trang. Bà đã có 45 năm làm nghề, nắm giữ nhiều bí quyết, kỹ thuật thêu, rua khó cộng với quá trình nỗ lực ham học hỏi từ các bậc nghệ nhân đi trước trong làng, đến nay bà đã tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích trong nghề thêu với ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề thêu truyền thống của dân tộc. Bà đã mạnh dạn đưa nghề khâu chăn về truyền dạy cho bà con, đầu tư thiết kế đưa kỹ thuật thêu ren của làng nghề thêu truyền thống lên chất liệu lụa tơ tằm kết hợp giữa thêu tay và khâu tạo nên những sản phẩm chăn cao cấp và độc đáo. 

Ảnh: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho nghệ nhân Vũ Thị Hồng Yến.


Luôn ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề thêu truyền thống của dân tộc, bằng lòng yêu nghề sâu sắc Bà đã trực tiếp truyền dạy nghề cho các nhiều lớp trẻ ở địa phương và nhiều xã trong tỉnh. Tham gia Ban quản lý làng nghề thêu Văn Lâm, bà tích cực tham gia các hoạt động của làng nghề, khuấy động các phong trào, cùng với các nghệ nhân trong làng nghề gìn giữ, duy trì và phát triển nghề truyền thống thêu Văn Lâm như ngày nay. Bà tích cực tham gia các hội trợ trong và ngoài nước quảng bá sản phẩm và nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ủng hộ cho các hoạt động nhân đạo xã hội.

Là nghệ nhân thủ công mỹ nghệ với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, lòng yêu nghề và say mê với nghề, Bà đã thiết kế ra hàng trăm mẫu mã với các dòng sản phẩm: Ga trải giường, rèm cửa, khăn, áo thời trang, chăn lụa tơ tằm, … đồ trang trí nội thất. Trong đó đặc sắc nhất là những sản phẩm chăn lụa tơ tằm, áo thời trang được khách hàng rất ưa chuộng và có giá trị xuất khẩu cao sang thị trường Hàn Quốc, Pháp, Úc, Anh và Nhật Bản.
Bà đã có nhiều tác phẩm có giá trị mỹ thuật, kỹ thuật kinh tế cao đạt các giải thưởng tại các cuộc thi, bình chọn; là người có công lớn trong việc bảo vệ, phát huy giá trị nghề thêu truyền thống Văn Lâm. Với tri thức, kỹ năng thực hành nghề điêu luyện thể hiện qua các sản phẩm thêu ren tiêu biểu, bà đã được tặng nhiều bằng khen của các Bộ, ngành, UBND tỉnh... Với những đóng góp trong gìn giữ, phát triển nghề thủ công thêu ren truyền thống Văn Lâm - Nình Bình, bà được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu vinh dự “Nghệ nhân Ưu tú”.


 Tin và ảnh: Hoàng Thị Thùy - Phòng QLCN