Xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số trong cơ quan Sở Công Thương

Trong những năm qua và đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2021 việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong cơ quan Sở Công Thươngđã được triển khai thực hiện quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Hiện nay, 100% văn bản đến và đi đều được Sở tiếp nhận, số hóa, ký số và xử lý liên thông 4 cấp trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice (trừ các văn bản mật); 100% quy trình điện tử, quy trình nội bộ của đơn vị tiếp tục được rà soát đơn giản hóa và cắt giảm 02 bước cho mỗi quy trình, cắt giảm tổng cộng 413 giờ so với quy định. Trên Hệ thống dịch vụ công và một cửa điện tử của tỉnh, Sở Công Thương đang cung cấp tổng cộng 126 thủ tục hành chính, trong đó, 36 thủ tục được thực hiện ở mức độ 2; 49 thủ tục ở mức độ 3 và 41 thủ tục ở mức độ 4. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở đã tiếp nhận 6.758 bộ hồ sơ, trong đó có 3.838 bộ hồ sơ được tiếp nhận qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hầu hết các hồ sơ đều được tiếp nhận trực tuyến và xử lý trên môi trường mạng.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Công Thương tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh

Ngoài ra, Sở cũng triển khai có hiệu quả các phần mềm tiện ích như: Quản lý cán bộ công chức, viên chức; Kế toán; Kho bạc; Kê khai thuế; Bảo hiểm… Đặc biệt từ đầu năm 2021, theo yêu cầu của UBND tỉnh Sở Công Thương đã cập nhật, cung cấp số liệu và thực hiện việc báo cáo về cải cách hành chính thông qua Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; theo Kế hoạch cuối năm 2021 toàn bộ các báo cáo về chỉ tiêu kinh tế, các báo cáo chuyên ngành của Sở sẽ được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và Chính phủ mà không phải sử dụng văn bản giấy.
Công tác phát triển thương mại điện tử thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý trong những năm qua và 6 tháng đầu năm 2021 vẫn được thực hiện theo đúng lộ trình với các nhiệm vụ trong Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 16/7/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025. Hàng năm, Sở Công thương đều xây dựng Kế hoạch hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung kinh phí xây dựng website thương mại điện tử bán hàng với hai ngôn ngữ và thiết bị in tem QR code tích hợp truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; hỗ trợ kinh phí tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử toàn cầu để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp. 
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp - đơn vị trực thuộc Sở đang triển khai xây dựng Đề án Bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc điêṇ tử cho các sản phẩm đăc̣ trưng của Ninh Bình. Phần mềm sau khi hoàn công được đưa vào sử dụng cuối năm 2021 sẽ cho kết quả là 01 phần mềm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc trưng thông qua mã QR được dán trên hàng hóa, sẽ có tác dụng bảo vệ người tiêu dùng tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, chung tay vì cuộc sống an toàn hơn, tiết kiệm hơn, bảo vệ thương hiệu, uy tín, và giá trị đích thực của những doanh nghiệp, những sản phẩm chất lượng trên thị trường, chung tay cùng toàn xã hội trong cuộc chiến chống hàng giả, bảo vệ lợi ích cộng đồng.
Những kết quả đạt được ở trên đã góp phần quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong cơ quan Sở Công Thương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ, chuyển đổi số, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý ứng dụng và chuyển đổi số thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 

Trịnh Đình Hoàn - VP Sở