Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình khảo sát việc thực hiện Luật Điện lực

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và góp ý vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), chiều 09/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình tổ chức khảo sát việc thực hiện Luật Điện lực tại Sở Công Thương.

 

Hình ảnh tại buổi làm việc


Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng  và Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình. Về phía Sở Công Thương, có đồng chí Dương Đức Đằng Giám đốc Sở cùng các phòng chuyên môn có liên quan.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công Thương đã báo cáo công tác triển khai thực hiện Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, năm 2018 và năm 2022). Theo đó,  trong thời gian qua Sở đã chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị liên quan thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành và thực thi nghiêm túc Luật Điện lực. Xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động điện lực, kinh doanh mua bán điện, an toàn điện, sử dụng điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Chủ động, kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị truyền thông tổ chức hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật điện lực để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức, tuân thủ quy định của Luật.
Về quy hoạch phát triển điện lực, nhìn chung các dự án công trình đường dây và trạm biến áp của các tổ chức, cá nhân và các đơn vị điện lực trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thực hiện theo đúng các Quy hoạch được phê duyệt. Về công tác chuyển đổi, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch Ninh Bình hiện có 2 nhà máy xi măng The Vissai và nhà máy xi măng Hướng Dương tận dụng nhiệt dư trong quá trình sản xuất để phát điện. Đối với năng lượng mặt trời: Trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là năng lượng mặt trời mái nhà với quy mô hộ gia đình và doanh nghiệp lắp đặt, mục đích chính cho tự dùng. Trong đó có 13 đơn vị đã lắp đặt đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất từ 100kWp trở lên để tự dùng và bán cho ngành điện nếu dư thừa và hơn 200 hộ dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự dùng và bán lại cho ngành điện nếu dư thừa theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, tuy nhiên văn bản này chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12/2020.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện cấp, sửa đổi Giấy phép hoạt động điện lực cho các đơn vị bán lẻ điện nông thôn và thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh cấp Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện theo đúng quy định về quy trình, hồ sơ, điều kiện, thời gian cấp giấy phép, thường xuyên giám sát việc duy trì điều kiện cấp phép hoạt động, định kỳ tiến hành các cuộc thanh tra có kế hoạch đối với các đơn vị phân phối, bán lẻ điện và các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm điện trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn được đề xuất tháo gỡ như sau: Cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước hiện nay về năng lượng tại UBND các huyện, thành phố còn kiêm nhiệm, hiện tại không có cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực năng lượng. Cơ quan quản lý chưa có đủ nguồn lực và năng lực để giám sát và quản lý hoạt động của các Đơn vị điện lực, hộ gia đình. Một số quy định trong Luật Điện lực chưa được quy định rõ ràng hoặc không đồng bộ với các Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh Bất động sản gây khó khăn trong việc thực hiện. Cơ chế, chính sách về năng lượng có lúc còn chưa kịp thời, chưa sát với tình hình thực tế…
Về kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, Sở Công Thương đề nghị cần hoàn thiện khung pháp lý trong phát triển năng lượng tái tạo, có cơ chế thuận lợi trong việc thu hồi đất để xây dựng các công trình lưới điện. Nghiên cứu bổ sung các quy định, hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy hoạch, đầu tư các trạm sạc điện cho ô tô điện và trình tự, thủ tục bổ sung quy hoạch các dự án, công trình điện lực trong Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề nghị nghiên cứu, ban hành các quy định, hình thức xử lý nghiêm đối với các hành vi của các tổ chức, cá nhân có các hành vi gây cản trở, chậm trễ trong việc thúc đẩy phát triển thị trường mua bán điện cạnh tranh. Bổ sung quy định về an toàn điện trong sử dụng điện đối với dây dẫn sau công tơ,...
Cùng trong khuôn khổ buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng; phát triển quy hoạch sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng mới ở địa phương; thực trạng việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời và trách nhiệm trong công tác quản lý việc thu gom, xử lý rác thải đối với tấm pin mặt trời; vấn đề tiết kiệm điện; cấp giấy phép kinh doanh điện, công tác hậu kiểm đối với các cơ quan được cấp giấy phép kinh doanh điện; 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên,  Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những nổ lực của Sở Công Thương trong việc tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về Luật Điện lực; làm tốt việc quản lý, sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Đồng chí đề nghị Sở Công Thương và ngành Điện phối hợp với các ngành chức năng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thường xuyên cập nhật những luật mới của Nhà nước để công tác quản lý, vận hành đúng quy định; tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về năng lượng, nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế  - xã hội trên địa bàn. Những ý kiến, kiến nghị tại buổi khảo sát, Đoàn sẽ tổng hợp, sớm trình đến Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành thẩm quyền liên quan để xem xét, giải quyết.


Tin và ảnh: Lê Quân và Chính Tâm – Phòng Năng lượng