Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba có 14 chương, bao gồm các quy định về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hợp tác kinh tế và thương mại… Theo đó, hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng 5 năm.
Để thực thi Hiệp định, ngày 3/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2020/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đã đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba giai đoạn 2020-2023. Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu hàng hóa của Cuba đối với 514 dòng thuế (gồm một số loại tôm, cá, mật ong, một số loại quả (như dứa, bơ, ổi, xoài,...), xi măng, quặng crôm, thuốc khử trùng, quần áo bảo hộ, thiết bị mạng không dây, đèn cho phòng mổ...) có mức thuế suất 0% kể từ ngày 1-4-2020. Với các dòng thuế còn lại (49 dòng), Nghị định cụ thể hóa cam kết giảm thuế theo lộ trình (bao gồm các mặt hàng như nhóm đường (1701) và lá thuốc lá chưa chế biến (2401) cắt giảm thuế trong vòng 4 năm về mức thuế suất 15% (trong hạn ngạch); nhóm thuốc lá điếu, xì gà (2402) cắt giảm thuế trong vòng 4 năm về mức thuế suất 70%; nhóm rượu và đồ uống có cồn (2204) cắt giảm trong vòng 4 năm về mức thuế suất 20%. Ngày 08/04/2020, Bộ Công thương cũng đã ban hành Thông tư 08/2020/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba.
Hiệp định đi vào thực thi sẽ góp phần tạo khuôn khổ pháp lý ổn định và thông thoáng, thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Đồng thời đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau, thúc đẩy kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều, góp phần đưa quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Cuba lên tầm cao mới.
Đỗ Tân - Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu