Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản VNPT-iOffice với 102 tài khoản, 100% cán bộ trong cơ quan và đơn vị trực thuộc đều thường xuyên sử dụng phần mềm để gửi, nhận văn bản điện tử. Hầu hết các văn bản đi và đến của Sở với đơn vị bên ngoài đều được thực hiện trên phần mềm (trừ các văn bản mật), đặc biệt đối với văn bản đi 100% đã được ký số của tổ chức và cá nhân (Lãnh đạo Sở) theo đúng quy định, tỷ lệ này đối với đơn vị trực thuộc Sở là 50%. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành cũng đã được VNPT thiết lập và sẵn sàng cho việc kết nối liên thông với trục văn bản quốc gia. Ngoài ra, các phần mềm như kế toán; quản lý cán bộ công chức, viên chức; kê khai thuế; kê khai bảo hiểm; quản lý tài sản... cũng đang được bộ phận chuyên môn của Sở Công Thương nghiêm túc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Sở Công Thương hiện nay đang cung cấp 154 quy trình điện tử, trong đó cung cấp 83 thủ tục hành chính ở mức độ 2; 29 thủ tục hành chính ở mức độ 3 và 42 thủ tục hành chính ở mức độ 4. Ngoài ra, Sở hiện đang vận hành hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử của Bộ Công Thương có địa chỉ tại www.ecosys.gov.vn, với tất cả 15 thủ tục đều thực hiện ở mức độ 3, 4. Năm 2019 Sở Công Thương đã tiếp nhận và xử lý trên 8.000 hồ sơ, tất cả đều đúng và trước hạn. Hầu hết các văn bản đi và đến đều được xử lý trên phần mềm Quản lý văn bản liên thông một cách nhanh chóng, thuận lợi. Các văn bản phát hành điện tử áp dụng chữ ký số đảm bảo tính pháp lý và góp phần rút ngắn thời gian giải quyết công việc. Thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến các GDĐT giữa cơ quan với tổ chức, cá nhân đã được đơn giản hóa, rút ngắn quá trình xử lý, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí quản lý hành chính. Công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động giao dịch điện tử cũng được quan tâm, hiện nay hầu hết các máy tính trong cơ quan Sở đều đã được cài đặt phần mềm diệt Virus Bkav có bản quyền (trừ một số máy tính có cấu hình thấp); đầu tư thiết bị Draytek (fiwall) để phục vụ cho việc phát hiện và ngăn chặn Virus, góp phần đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong đơn vị.
Đối với hoạt động giao dịch điện tử trong thương mại điện tử, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch và chương trình phát triển TMĐT tỉnh Ninh Bình, trong đó nổi bật là Quyết định số 1377/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Sở đã phối hợp với Trung tâm phát triển TMĐT (Ecomviet) - Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT cho cán bộ các sở, ngành, UBND huyện, thành phố; phổ biến các văn bản pháp luật về TMĐT như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT; Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương về quản lý website TMĐT; Thông tư số 21/2018/TT-BCT ngày 20/8/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 47/2014/TT-BCT... tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp có website TMĐT thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website trực tuyến với Bộ Công thương.
Hiện nay, việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh đang trở nên ngày càng phổ biến, nhất là các hình thức sử dụng email, mua bán online trên các trang website TMĐT, sàn giao dịch điện tử với khách hàng và nhà cung cấp. Các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục thông báo, đăng ký, cấp phép,... của người dân và doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Công Thương phần lớn đã được thực hiện qua mạng internet ở mức độ 3,4. Các phương thức thanh toán trong thương mại điện tử như: COD, thanh toán qua thẻ, thanh toán điện tử (cổng thanh toán, ví điện tử, tổ chức thanh toán trung gian) cũng đang được triển khai phổ biến và đem lại rất nhiều lợi ích cho người sử dụng.
Hàng năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin và TMĐT. Các phần mềm được sử dụng phổ biến để phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp là soạn thảo văn bản; kế toán, tài chính; diệt virus... Một số doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm chuyên dụng như quản lý nhân sự, quan hệ khách hàng (CRM), quản lý đặt phòng, quản lý hệ thống cung ứng (SCM), phần mềm lập kế hoạch nguồn nhân lực (ERP)... Ngoài ra, 100% các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã triển khai thực hiện chữ ký số, thực hiện khai hải quan, xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và kê khai thuế điện tử. Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông truyền hình trên địa bàn tỉnh đã chấp nhận thanh toán hóa đơn của cá nhân, hộ gia đình qua hình thức không nhận tiền mặt.
Có thể khẳng định việc thực hiện Luật giao dịch điện tử đã tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy “tin học hóa” hoạt động của cơ quan nhà nước, giúp cho quá trình ban hành các quyết định được thực hiện nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Đồng thời cho phép người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí trong công tác quản lý Nhà nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong kỷ nguyên kinh tế số.
Đỗ Ngọc Tân - Trưởng phòng QLXNK