Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên môi trường trực tuyến

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang tiếp tục phối hợp cùng các sàn thương mại điện tử, các đối tác vận hành thương mại điện tử (TMĐT) khác tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương vào mùa trên môi trường trực tuyến.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở nhiều tỉnh thành phố thời gian qua đã ảnh hưởng lớn tới tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ, làm đứt gãy chuỗi lưu thông từ sản xuất, nguyên vật liệu vật tư nông nghiệp đầu vào cho đến các khâu như thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, phân phối tới các tỉnh thành phố để tiêu thụ cũng như xuất khẩu. Đặc biệt là tình hình giao nhận hàng hoá giữa các khu vực trong tỉnh, liên tỉnh gặp nhiều khó khăn khi nhiều tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nối tiếp các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông sản các vùng miền địa phương đã rất thành công với hàng nghìn tấn nông sản, hàng hoá trên các sàn TMĐT được tiêu thụ từ đầu năm đến nay, trong những tháng cuối năm này Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục phối hợp cùng các sàn TMĐT, các đối tác vận hành TMĐT khác tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương vào mùa trên môi trường trực tuyến.

“Trong thời gian này, khi các phương án giao nhận phù hợp đã và đang được triển khai để bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, doanh nghiệp hay các sàn TMĐT cũng nhanh chóng triển khai các sự kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá và nông sản trên môi trường trực tuyến, hỗ trợ người dân trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản đang vào mùa vụ cũng như đưa sản phẩm nông nghiệp đến tay người dân thành phố”, đại diện lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.

Trong tháng 10/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Sendo lên phương án tiếp tục đẩy mạnh cho Tuần lễ nông sản Việt trực tuyến. Chương trình có ba loại nông sản đặc sản vào mùa lần lượt được bán trên sàn Sendo trong chương trình “Tuần lễ nông sản Việt - miễn phí vận chuyển”, bao gồm Hồng giòn đặc sản Lâm Đồng, Dưa lưới đặc sản Bình Phước và Xoài cát chu vàng đặc sản Đồng Tháp. Với cả 3 loại nông sản này, người tiêu dùng tại TP.Hồ Chí Minh khi đặt mua sẽ được hưởng mức giá ưu đãi giảm đến hơn 30% so với giá thị trường; đặc biệt, vào thời điểm vàng mở bán mỗi loại nông sản trên sàn TMĐT Sendo, giá sẽ còn giảm sâu đến gần 40%.

Với sự hỗ trợ kết nối của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và các ban, ngành, địa phương, các sản phẩm nông sản bán trên Sendo luôn đươc khai thác trực tiếp từ vườn trồng của hợp tác xã, hộ kinh doanh để có mức giá tốt nhất cho người mua và lợi nhuận tốt nhất cho nông dân.

Trong Tuần lễ nông sản Việt lần này, mức giá các sản phẩm ưu đãi mang ý nghĩa như một lời động viên, một sự chung sức của sàn TMĐT Sendo gửi đến người dân các tỉnh, thành phố và bà con nông dân từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống sau một mùa dịch kéo dài.

Đặc biệt, nguồn cung ứng nông sản cho chương trình đến từ các đối tác được chọn lọc của Sendo, đạt các chứng nhận theo tiêu chuẩn nông sản sạch Vietgap. Nông sản sau khi được đặt hàng sẽ được thu hái tại vườn, đóng gói và giao đến TP.Hồ Chí Minh trong vòng 1-2 ngày, đảm bảo độ tươi ngon.

Chương trình “Tuần lễ nông sản Việt - miễn phí vận chuyển” do Sendo phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức hiện đang diễn ra tại địa chỉ https://www.sendo.vn/su-kien/nong-san-sach. Người tiêu dùng mua rau củ quả trên sàn TMĐT cũng sẽ có nhiều ưu đãi khi áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, khi thanh toán qua ví ZaloPay sẽ được miễn phí vận chuyển đến 50.000 đồng cho mỗi đơn hàng và còn giảm thêm 20% tối đa 45.000 đồng khi đặt hàng tại Sendo.

Đại diện lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trong thời gian tới, các hoạt động kinh doanh trên TMĐT sẽ dần trở nên quy củ hơn, bài bản hơn và cạnh tranh hơn. Để đưa nông sản lên sàn TMĐT, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bà con nông dân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ khâu nuôi trồng, sản xuất, thu hoạch, bảo quản… để bảo đảm chất lượng đồng đều, hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, khi tham gia các chương trình đào tạo và tập huấn TMĐT cần có sự chủ động học hỏi, sáng tạo trong việc ứng dụng TMĐT, quảng bá trên môi trường số.

Ngoài ra, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, kết nối với các hợp tác xã, UBND xã, huyện, tỉnh tại địa phương, các Sở, ngành địa phương và đặc biệt là với các sàn TMĐT đang hợp tác với các cơ quan trong đó có Bộ Công Thương để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn gặp phải khi từng bước chuyển mình sang hình thức phân phối hiện đại.

“Những tháng cuối năm là lúc nhu cầu tiêu dùng hàng hoá tăng cao, Cục TMĐT&KTS đang làm việc chặt chẽ với các sàn TMĐT, các đối tác vận hành để tiếp tục tổ chức các chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá Việt nói chung và nông sản nói riêng, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân bước vào giai đoạn bình thường mới”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin thêm.Ngoài ra, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, kết nối với các hợp tác xã, UBND xã, huyện, tỉnh tại địa phương, các Sở, ngành địa phương và đặc biệt là với các sàn TMĐT đang hợp tác với các cơ quan trong đó có Bộ Công Thương để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn gặp phải khi từng bước chuyển mình sang hình thức phân phối hiện đại.

“Những tháng cuối năm là lúc nhu cầu tiêu dùng hàng hoá tăng cao, Cục TMĐT&KTS đang làm việc chặt chẽ với các sàn TMĐT, các đối tác vận hành để tiếp tục tổ chức các chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá Việt nói chung và nông sản nói riêng, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân bước vào giai đoạn bình thường mới”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin thêm.

Theo Báo điện tử Công Thương