Tăng cường quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, nhiều giải pháp mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên các nền tảng công nghệ cũng phát triển hết sức mạnh mẽ, dần dần hình thành một nền kinh tế số tại Việt Nam. Kinh tế số có những tác động rất sâu sắc đến hiệu quả phát triển và cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam. Kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội cho kinh tế vì nó có tiềm năng tạo ra sự thay đổi to lớn trong môi trường xã hội và các hoạt động kinh tế. Lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) được coi là lĩnh vực phát triển sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam, đang trở thành một công cụ không thể thiếu đối với doanh nghiệp để mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25 % -30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đạt mức 30% với Tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt 8.06 tỷ đô la. Theo dự báo của Google và Temasek (19/11/2018), nền kinh tế Internet Đông Nam Á có thể vượt mốc 240 tỷ USD vào năm 2025. Nền kinh tế Internet tại Việt Nam được dự báo đóng góp vào con số trên 33 tỷ USD.
Song hành với tốc độ phát triển nhanh của TMĐT thì cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Do tính chất đặc thù của TMĐT như người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ liên lạc qua mạng, các công cụ tìm kiếm thuận tiện, cho phép người mua tìm kiếm dễ dàng, hàng giả/hàng nhái đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet, không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT giai đoạn 2018 – 2020, trong đó Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT là một trong 6 nhóm giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu trên. Đây là Cổng dịch vụ công mức độ 4 giúp kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu và phối hợp quản lý, giám sát thực thi và hỗ trợ giải quyết phản ánh, khiếu nại của các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ Công Thương như: Cục TMĐT và KTS, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và BVNTD, các Sở Công Thương, v.v...
Để Hệ thống quản lý và giải quyết tranh chấp trực tuyến và Lễ ký cam kết đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu:
Đối với các đơn vị trong Bộ Công Thương: cần tích cực tham gia vào Hệ thống, tiếp nhận và xử lý, giải quyết phản ánh, khiếu nại của người dân, doanh nghiệp một cách có hiệu quả qua đó phát hiện và ngăn chặn cũng như xử lý sớm những đối tượng, ổ nhóm lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng.
Cần phối hợp chặt chẽ với các Nhãn hàng, các hãng có mặt trong buổi hôm nay như Casio, Calvin Klein, Nestlé, Nike, v.v…và nhiều nhãn hàng/hãng khác nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hàng giả hàng nhái trên các website, ứng dụng TMĐT.
Hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ cam kết đã ký và các quy định pháp luật liên quan về kinh doanh hàng hóa, TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Đối với các nhãn hàng/hãng và các doanh nghiệp tham gia ký cam kết: cần nâng cao trách nhiệm và quyết tâm của mình, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để phản ứng nhanh và giải quyết kịp thời, hiệu quả các khiếu nại, phản ánh của người dân.
Chủ động phát hiện, báo cáo kịp thời những hành vi vi phạm, gian lận thương mại đặc biệt liên quan đến hàng giả, hàng nhái, cung cấp cho Bộ Công Thương hoặc cơ quan chức năng liên quan để xử lý các đối tượng vi phạm.
Thêm 10 doanh nghiệp lớn ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT”
Song song với việc triển khai Hệ thống hỗ trợ công tác quản lý, giám sát hoạt động TMĐT, ngày 18/4/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ ký cam kết lần thứ nhất với sự tham gia của 05 sàn: Adayroi.com, Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Tiki.vn đã có những kết quả tích cực và góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi hàng giả, hàng nhái trên internet. Trên tinh thần đó, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT” đợt 2 với mục đích:
- Tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả trên môi trường internet.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT và các nhãn hàng/hãng trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết bán hàng hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT” đợt 2 có sự tham gia của 10 doanh nghiệp thuộc 02 nhóm chính:
Các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi bán lẻ bao gồm: Thegioididong.com, Fptshop.com.vn, Hc.com.vn, Mediamart.vn và Pico.vn;
Các doanh nghiệp vận hành sàn TMĐT và cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT bao gồm: Rongbay.com/Enbac.vn, Vatgia.com, Fado.vn, Joolux.com và Sapo.vn.
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải đã báo cáo đánh giá về hiệu quả của việc triển khai Lễ ký cam kết lần thứ nhất; Đại diện các đơn vị Bộ Công Thương cũng đã thảo luận về những vấn đề thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng, Định hướng công tác đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới; Đại diện các hãng/nhãn hàng sẽ chia sẻ và thảo luận về thực trạng vi phạm đến hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT và đề xuất giải pháp phối hợp với Bộ Công Thương cũng như các chủ sở hữu website và các Sàn TMĐT nhằm đẩy lùi hàng giả, hàng nhái trong thời gian tới...
Theo Công Thông tin điện tử Bộ Công Thương