Hội nghị phổ biến phương pháp vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hoá để hưởng ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do

Ngày 21/11, Sở Công Thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị phổ biến phương pháp vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hoá để hưởng ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; lãnh đạo Sở Công thương cùng hơn 120 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Duy Phương

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công thương và đồng chí Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục XNK nhấn mạnh, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 18 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại song phương và đa phương, trong đó đã ký kết 16 FTA, thực thi 15 FTA (01 FTA là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel đã ký vào ngày 25/7/2023 và dự kiến sẽ chuẩn bị được thực thi trong thời gian tới). Các FTA mà Việt Nam tham gia hầu hết đều là FTA thế hệ mới với mức ưu đãi về thuế rất cao (hầu hết thuế nhập khẩu về 0%) có tác động quan trọng đến thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu. 
Tuy nhiên, điều kiện quan trọng để hưởng mức thuế quan ưu đãi đó chính là hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho từng FTA, và chỉ khi đáp ứng quy tắc xuất xứ thì hàng hóa đó mới được cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi vốn là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan nước nhập khẩu xác định hàng hóa đến từ đâu, có đủ điều kiện để hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng của FTA hay không. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cần ghi nhớ “Quy tắc xuất xứ” luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các FTA. Trong bộ chứng từ xuất khẩu thì Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là công cụ để xác định hàng hóa nhập khẩu có được hưởng thuế quan ưu đãi hay không, giúp duy trì sự cân bằng hợp lý giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “phòng tránh gian lận thương mại”, đo mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA của các nền kinh tế thành viên. 
Trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số hiện nay, việc cấp C/O điện tử đang là xu thế tất yếu giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cũng như giảm bớt các thủ tục không cần thiết để chứng nhận xuất xứ cho hàng hoá xuất khẩu. Quy trình khai báo minh bạch, đơn giản và thuận tiện, doanh nghiệp có thể thực hiện khai báo C/O nhanh chóng, thao tác ít hơn mà không bị phụ thuộc vào thời gian và không gian. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 3 mẫu C/O được cấp điện tử hoàn toàn trên hệ thống eCoSys là mẫu D, AK và VK mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều mẫu C/O được thực hiện điện tử hóa toàn bộ.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương trao đổi các nội dung với doanh nghiệp tại Hội nghị. Ảnh: Đỗ Tân


Tại hội nghị báo cáo viên của Cục XNK, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã giới thiệu tổng quan về vai trò, tầm quan trọng của quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các Hiệp định Thương mại tự do; Các quy định mới liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các Hiệp định Thương mại tự do; Phương pháp vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa và các vấn đề cần lưu ý để hưởng thuế quan ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do. Hướng dẫn thực hiện Thông tư 36/2023/TT-BTC ngày 6/6/2023 của Bộ Tài chính về nộp phí Chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hệ thống eCoSys của Bộ Công Thương cho các doanh nghiệp xuất khẩu; thực hành cấp C/O điện tử trên hệ thống eCosys cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh…. Thông qua đó, giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn nắm chắc hơn tinh thần cốt lõi từ các FTA đặc biệt là vận dụng quy tắc XX để hưởng ưu đãi thuế quan, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vào các thị trường đã ký FTA với Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    Tin tức: Đỗ Tân - P. XNK