Ngày 17/10, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Sử dụng nhiên liệu sinh học – Giải pháp phát triển bền vững”. Dự Hội thảo có đại diện một số Cục, vụ thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ; Sở Công thương một số tỉnh, lãnh đạo một số Tập đoàn, Tổng công ty đại diện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh xăng dầu, lãnh đạo các hiệp hội. Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thảo luận về thực trạng sử dụng xăng sinh học tại một số quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam. Theo đó các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thử nghiệm xăng sinh học từ năm 1976 (Mỹ, Brazil), hiện nay một số quốc gia đã sử dụng loại xăng sinh học E25. Tại Việt Nam hiện có 1.256 cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5, trong đó thành phố Hồ Chí Minh có số lượng cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 nhiều nhất là 240 cửa hàng. Việc sử dụng xăng sinh học E5 theo đánh giá của các chuyên gia là sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như cải thiện tính năng của động cơ, phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng … đặc biệt góp phần bảo vệ môi trường làm giảm phát thải độc hại như khí CO, CO2, SO2. Về nguồn cung xăng sinh học E5 cho thị trường, theo Bộ Công Thương hiện có 4 nhà máy sản xuất E100 trên toàn quốc có thể đảm bảo cung ứng 3,9 triệu m3 xăng E5/năm cho thị trường. Bên cạnh đó, theo Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì sản lượng cây mía, cây sắn, cây dầu mè có thể đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất E100. Để đảm bảo lộ trình đến ngày 01/01/2018 có thể đưa xăng sinh học E5 vào lưu thông trên thị trường cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền mà tập trung thực hiện tốt Chương trình truyền thông Quốc gia nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học ban hành kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-BTTTT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; các thương nhân đầu mối cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị đảm bảo nguồn cung, đồng thời đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tạo nâng cấp và bổ sung quy trình vận hành, bảo dưỡng theo đúng yêu cầu kỹ thuật; ban hành cơ chế, chính sách về giá, thuế, phí … để đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng – doanh nghiệp – Nhà nước./.