Một số lưu ý đối với hoạt động xuất khẩu sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Trong 02 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các đơn hàng gia tăng khiến các doanh nghiệp phải tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ mở ra tín hiệu tích cực cho xuất khẩu hàng hóa năm 2024, đặc biệt mở ra cơ hội đối với một số ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh như dệt may, da giầy, hàng thủ công mỹ nghệ… 

Cụ thể như sau:
- Sức mua của ngành hàng dệt may có dấu hiệu phục hồi ở nhiều nước, lượng hàng tồn kho giảm. Ngoài ra, thuế nhập khẩu ở một số thị trường đã giảm theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs). Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Phi, Trung Đông tăng trưởng tốt hơn; riêng thị trường châu Âu tăng còn khiêm tốn và dư địa xuất khẩu còn lớn.
- Ngành da giày cũng ký được các đơn hàng từ thị trường Trung Đông và một số khu vực khác tại châu Á… trong khi chờ sự phục hồi của các thị trường truyền thống.
- Ngành gỗ dự báo sẽ xuất khẩu mạnh từ quý III/2024 khi lạm phát tại 2 thị trường quan trọng là Mỹ và châu Âu đã giảm, cung - cầu cân bằng trở lại.
- Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2024, song song với phát triển tại các thị trường truyền thống: Mỹ, EU, các doanh nghiệp cũng nên tập trung khai thác thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Chilê…

Ảnh minh họa

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động xuất khẩu dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Căng thẳng tại Biển Đỏ gây tác động xấu đối với ngành vận tải biển, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, trực tiếp nhất là xuất khẩu tới khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Giá cước vận tải đi Mỹ và Canada đã tăng mạnh tới 50-70% so với cuối năm ngoái, cước sang châu Âu tăng 3-4 lần; tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến khả năng đáp ứng đơn hàng; việc tăng chi phí vận tải và giá dầu sẽ gây ra hiệu ứng domino đối với giá cả hàng hóa, làm tăng bất ổn kinh tế và địa chính trị, từ đó cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ công Thương cập nhật và cung cấp kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, nhất là tận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.


Tin và ảnh minh họa: Hoàng Thùy - P.XNK