Thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 16/7/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, ngày 24/3/2023, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 489/KH-SCT về phát triển thương mại điện tử năm 2023. Trong đó đã đề ra các giải pháp, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh triển khai hiệu quả việc ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Cụ thể, năm 2023, Sở đã hỗ trợ 04 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website TMĐT bán hàng với giao diện ngôn ngữ mới và 01 doanh nghiệp xây dựng gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử toàn cầu Alibaba với tổng kinh phí 148 triệu đồng, thông qua đó đã giúp các đơn vị tạo dựng một kênh thông tin quan trọng với chi phí thấp, phục vụ cho công tác xúc tiến, quảng bá và tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Sở cũng đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử cho 150 đại biểu là cán bộ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chương trình hội nghị tập trung vào các nội dung chính: Thương mại điện tử Ninh Bình và phát triển kinh doanh với mô hình bán lẻ đa kênh; hướng dẫn thiết lập tài khoản và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam như Shoppe, Lazada, Tiki, trên các mạng xã hội: Facebook, Zalo; xây dựng kế hoạch truyền thông và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm… Qua đó, giúp các đơn vị có thêm một kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm theo hướng hiệu quả, tiết kiệm chi phí, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh số bán hàng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng trong cả nước.
Bên cạnh đó, trong thời gian từ ngày 27/11/2023 đến ngày 03/12/2023, Sở Công Thương đã tổ chức treo băngzôn giới thiệu, quảng bá Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday) năm 2023. Qua đó, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến nhằm kích cầu mua sắm online, thanh toán điện tử, nhận biết và sử dụng các sản phẩm chính hãng. Tạo được thói quen mua sắm trực tuyến cho người tiêu dùng cũng như trở thành người tiêu dùng thông minh khi mua hàng qua mạng, đem lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm. Tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp gắn kết hơn với người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá thương hiệu của mình để người dùng biết đến thông qua các sản phẩm chất lượng với mức giá ưu đãi nhất. Sở đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng TMĐT của hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phục vụ xây dựng chỉ số TMĐT Quốc gia năm 2023.
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 2946/QĐ-BCT ngày 29/12/2022 của Bộ Công Thương phê duyệt các đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2023, Sở đã triển khai hỗ trợ 08 đơn vị, doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử nội địa lớn và uy tín để quảng bá, giới thiệu bán sản phẩm hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường với kinh phí hỗ trợ là 252 triệu đồng. Năm 2023, Sở đã xây dựng và đăng ký 02 Đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2024 gửi Bộ Công Thương và UBND tỉnh.
Sở Công Thương tiến hành làm việc với các doanh nghiệp có hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh năm 2023. Ảnh: Duy Phương
TMĐT là lĩnh vực mới, phát triển nhanh, nên nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế; trình độ năng lực của cán bộ quản lý, doanh nghiệp về công nghệ thông tin chưa theo kịp xu hướng phát triển; các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa quan tâm đầu tư đưa công nghệ thông tin vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển việc sử dụng các mạng xã hội (như: Facebook, Zalo) trong kinh doanh trực tuyến chưa được kiểm soát tốt, gây rất nhiều khó khăn cho việc triển khai các loại hình TMĐT qua các sàn, cổng thông tin điện tử hoạt động chính thức và được quản lý bởi các cơ quan chức năng…
Vì vậy, để đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến hơn nữa, các cấp, các ngành của tỉnh cần tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới: cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp, đồng thời, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong thương mại điện tử; khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ số nhằm cải tiến mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên để phát triển các ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh....
Tin tức: Hoàng Quỳnh - P. XNK